Đảo chiều bơm tiền vào hệ thống ngân hàng
Trong phiên giao dịch ngày 2/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ dừng phát hành tín phiếu. Đồng thời, nhà điều hành bơm ra thị trường hơn 5.952 tỷ đồng thông qua kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) cho một ngân hàng.
Việc bơm tiền được thực hiện với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất ở mức cao (4%/năm).
Đây là một động thái khá bất ngờ bởi trước đó hệ thống ngân hàng liên tục ở trong tình trạng dư thừa thanh khoản, tín dụng tăng trưởng thấp, các ngân hàng khó khăn để đẩy vốn ra nền kinh tế và hạ lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm ở mức thấp, chỉ 1,7-4%/năm.
Trong 16 phiên liên tiếp trước đó, NHNN đã hút về tổng cộng gần 171.700 tỷ đồng qua kênh bán đấu thầu tín phiếu với kỳ hạn phổ biến 28 ngày và lãi suất thấp chỉ khoảng 1,4%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm cũng tăng vọt thêm nhiều lần, từ mức 0,2-0,4%/năm trước đó lên gần 3,5% vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4.
Việc NHNN tạm dừng phát hành tín phiếu và chuyển sang bơm thanh khoản trên kênh thị trường mở diễn ra trong bối cảnh gần đây một số ngân hàng quay đầu tăng nhanh lãi suất huy động sau một thời gian giữ lãi suất tiền gửi xuống mức 1,9%-1,7%/năm vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Trong tuần cuối tháng 3, đã có những ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất trở lại, với kỳ hạn 1-6 tháng lên mức 2,4-2,7%/năm, trong khi kỳ hạn quanh 1 năm đã lên mức 4,5-5,5%/năm. Đáng chú ý, trong 3 phiên đầu tháng 4, có ngân hàng để lãi suất huy động đặc biệt lên đến 9,5%/năm.
Thị trường tài chính trong nước và thế giới, biến động cũng rất mạnh và khó lường. Tỷ giá USD/VND trên hệ thống ngân hàng liên tục lập kỷ lục, vượt ngưỡng 25.000 đồng/USD (chiều bán) ngay từ đầu tháng 4. Tới sáng 3/4, đồng USD được Ngân hàng Vietcombank bán ra ở mức 25.080 đồng/USD. Đây là mức cao lịch sử mới.
Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND cũng đang hướng tới mức kỷ lục 25.700 đồng, ghi nhận hôm 11/3.
Giá vàng thế giới dồn dập lập kỷ lục cao mới. Giá vàng giao ngay vượt qua ngưỡng 2.200 USD/ounce hôm 1/4 rồi tiếp tục lên đỉnh cao lịch sử mới, ở mức 2.285 USD/ounce vào sáng 3/4 (giờ Việt Nam).
Giá vàng trong nước leo cao, tới sáng 3/4, vàng miếng SJC ở mức 81,6 triệu đồng/lượng (giá bán), chỉ thấp hơn chút ít so với mức kỷ lục 82,8 triệu đồng/lượng ghi nhận hôm 12/3. NHNN vẫn chưa đưa ra được biện pháp cụ thể ổn định thị trường vàng như đã lên kế hoạch hạn chót vào cuối tháng 3, cho dù đã đưa ra nhiều kiến nghị và Chính phủ vẫn liên tục thúc giục.
Thị trường tiền số crypto cũng sôi sục. Bitcoin lập đỉnh 73.500 USD/BTC hồi giữa tháng 3 và hiện vẫn treo khá cao ở mức 66.230 USD/BTC.
Câu hỏi được đặt ra, tại sao NHNN lại đảo chiều chính sách tiền tệ? Động thái này chỉ là nhất thời, bơm nóng cục bộ cho 1 ngân hàng hay xu hướng chung sắp diễn ra trên cả hệ thống? Và tỷ giá USD/VND trong thời gian tới sẽ ra sao?
Thanh khoản bị thắt lại, tỷ giá USD/VND chưa hạ nhiệt
Ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập CTCP FIDT, một đơn vị tư vấn đầu tư và quản lý gia sản tại Việt Nam, cho biết việc NHNN bơm gần 6.000 tỷ đồng với lãi suất 4% khiến nhiều nhà đầu tư chứng khoán lo ngại.
Động thái của NHNN, theo ông Tuấn, diễn ra khi các loại lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh đầu tuần, chạm mức trên 4%-5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn hạn dưới 3 tháng. Lãi suất qua đêm chạm đến 5% và là mức cao nhất kể từ quý III/2023. Điều này cho thấy, thanh khoản liên ngân hàng đang bị thắt chặt đột ngột.
Trên thực tế, hoạt động hút tiền qua kênh tín phiếu ngắn hạn của NHNN thời gian qua (tổng cộng hơn 170 nghìn tỷ đồng) và cùng sự phục hồi tín dụng đáng kể cuối quý I (ước tính 10 ngày cuối giải ngân trên 130 nghìn tỷ đồng) khiến thanh khoản bị ảnh hưởng đáng kể.
Dù vậy, điểm tích cực, theo ông Tuấn, là việc NHNN điều hành chính sách bơm hút một cách linh động, giảm thiểu ảnh hưởng chung đến hoạt động của ngân hàng.
Theo quan điểm của chuyên gia FIDT, điều kiện thanh khoản đang bị thắt chặt phần nào gây ra rủi ro thanh khoản ngắn hạn đối với các lớp tài sản tài chính như thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm tài sản shadow hay vàng, như từng diễn ra vào tháng 9-10/2023 . Các phiên giao dịch trên TTCK thời gian gần đây cũng cho thấy sự biến động không ổn định .
Dù vậy, theo ông Tuấn, điểm sáng trên TTCK đến từ dòng vốn đầu tư cá nhân đang thể hiện mạnh mẽ, chưa có điểm dừng, đến từ điều kiện lãi suất tiết kiệm rất thấp trong nền kinh tế.
Còn về tỷ giá, USD/VND đã mất mốc 25.000 nhưng là điều đã được chuẩn bị từ trước. Tốc độ tăng tỷ giá được kiểm soát chặt chẽ với hành động hút tín phiếu mạnh của NHNN.
Cũng theo chuyên gia FIDT, dự kiến NHNN sẽ chủ động thả tỷ giá có kiểm soát ngắn hạn và chưa sử dụng các biện pháp mạnh như hút mạnh tín phiếu, hay tăng lãi suất, hoặc bán USD nhờ thặng dư xuất khẩu tốt trong quý I vừa rồi (với hơn 8 tỷ USD) cũng như dòng vốn FDI giải ngân tốt (với hơn 4,6 tỷ USD).
Trong một báo cáo phát hành hôm 29/3, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS), dự báo tỷ giá USD/VND sẽ sớm đảo chiều trong các tháng tới và sẽ về mức 24.400-24.600 đồng/USD, khi Chính phủ ổn định thị trường vàng và Mỹ hạ lãi suất trong nửa cuối năm. Thặng dư thương mại sẽ cao và dự trữ ngoại hối cũng ở mức tốt, dự kiến đạt 110 tỷ USD trong năm 2024.
Bà Hiền dự báo, lãi suất huy động sẽ tạo đáy trong quý II/2024 trong bối cảnh khả năng kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện. Dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng 30-50 điểm phần trăm và sẽ dần về mức lãi suất tại thời điểm đầu năm.
Nền kinh tế cũng đang có tín hiệu tích cực. Thị trường bất động sản có những dấu hiệu ấm dần trở lại do nhu cầu gia tăng và nguồn cung bị hạn chế trong 2 năm gần đây.