Sức cầu mua vàng các nước mạnh chưa từng thấy
Theo số liệu Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố hôm 4/6, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua 36 tấn vàng trong tháng 4 và chỉ bán ra 3 tấn, qua đó đẩy mức dự trữ vàng tại các ngân hàng trung ương toàn cầu lên thêm 33 tấn.
Đây là mức mua ròng rất cao, hơn cả mức mua ròng 27 tấn trong tháng 2.
Trong tháng 3, ngân hàng trung ương các nước mua 39 tấn nhưng bán ra 36 tấn.
Theo Krishan Gopaul, nhà phân tích cấp cao đến từ Hội đồng Vàng thế giới, dựa trên các số liệu trong tháng 3 và tháng 4 có thể thấy, nhu cầu vàng thỏi của ngân hàng trung ương các nước vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trước đó, giới quan sát thị trường vàng đã đặt ra câu hỏi “liệu ngân hàng trung ương các nước có thay đổi chiến lược mua vàng hay không” khi giá vàng tăng như vũ bão trong tháng 3 và liên tục lập đỉnh cao mọi thời đại vào đầu tháng 4, có lúc lên tới 2.450 USD/ounce (ngày 12/4).
Câu trả lời giờ đã có. Các ngân hàng trung ương vẫn mua vào rất mạnh, kể cả khi giá vàng lập kỷ lục mới.
Hiện tượng mua ròng của ngân hàng trung ương các nước kéo dài từ đầu năm 2022, chỉ bị ngắt quãng một khoảng thời gian rất ngắn, hồi tháng 4-5/2023.
Cũng theo WGC, trong tháng 4, có 8 ngân hàng trung ương đã tăng dự trữ vàng của họ ít nhất 1 tấn. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mua lớn nhất, tăng dự trữ thêm 8 tấn, đưa tổng lượng mua ròng từ đầu năm thêm 38 tấn, qua đó nâng tổng lượng vàng nắm giữ chính thức lên 578 tấn. Đây là tháng mua ròng thứ 11 liên tiếp của nước này.
Các ngân hàng trung ương mua ròng nhiều còn có: Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan (6 tấn), Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (6 tấn), Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (5 tấn), Cơ quan Tiền tệ Singapore (4 tấn), Ngân hàng Trung ương Nga ( 3 tấn) và Ngân hàng Quốc gia Séc (2 tấn).
Điểm đáng chú ý là, trong tháng 4, hoạt động mua vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã chậm lại đáng kể. PBOC chỉ mua ròng thêm gần 2 tấn, thấp hơn nhiều mức trung bình 18 tấn ghi nhận từ 11/2022. Hiện dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc là 2.264 tấn.
Đại diện WGC cho rằng, các ngân hàng trung ương có thể tiếp tục kế hoạch tích lũy vàng thỏi bất chấp giá vàng tăng cao. Ngoài ra, cần đợi thêm số liệu tháng 5 để đánh giá chính xác hơn về hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương.
Giá vàng thời gian tới sẽ ra sao?
Không chỉ chịu tác động từ hoạt động mua bán vàng của ngân hàng trung ương các nước, giá vàng còn chịu ảnh hưởng từ sức khỏe kinh tế Mỹ, đồng USD, giá dầu, chính sách tiền tệ các nước, căng thẳng địa chính trị...
Trong phiên giao dịch hôm 4/6 trên thị trường New York (đêm 4/6 giờ Việt Nam), giá vàng đã biến động bất thường khi bất ngờ lao dốc, từ gần 2.340 USD/ounce có lúc xuống gần 2.315 USD/ounce, dù Mỹ công bố thông tin kinh tế tiêu cực.
Đêm 4/6 (giờ Việt Nam), số liệu từ Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ cho hay, trong tháng 4, cơ hội việc làm của Mỹ giảm chỉ còn 8,059 triệu việc làm, mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua.
Trước đó, Mỹ cũng vừa ghi nhận hoạt động tiêu dùng sụt giảm, với doanh số bán lẻ tháng 4 thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, qua đó kìm hãm nền kinh tế. Tiêu dùng vốn là bệ đỡ cho kinh tế Mỹ vài năm qua nhờ số tiền tích lũy lớn trong đại dịch.
Với cả hai thông tin tiêu dùng và việc làm đều yếu, nền kinh tế Mỹ đối mặt với rủi ro hạ cánh cứng. Điều này đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể phải sớm cắt giảm lãi suất sau thời gian dài trì hoãn.
Đồng USD theo đó sẽ chịu áp lực giảm, qua đó đẩy giá vàng đi lên.
Tuy nhiên, cú giảm khá mạnh mất khoảng 25 USD/ounce của vàng ngay sau khi Mỹ công bố số liệu về thị trường lao động cho thấy một diễn biến không theo quy luật thông thường. Vậy, tại sao lại có hiện tượng này? Mỹ công bố tin xấu, tại sao vàng thế giới lao dốc?
Trên thực tế, đồng USD đã không giảm theo tín hiệu về khả năng Fed sớm giảm lãi suất.
Đồng USD hiện được hỗ trợ bởi các thông tin khác, trong đó có khả năng yếu đi của một số đồng tiền chủ chốt, gồm cả euro, bảng Anh, đôla Canada.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) được cho là sẽ hạ lãi suất chủ chốt trong cuộc họp chính sách tuần này. ECB sẽ công bố chính sách lãi suất vào ngày 6/6, nhiều khả năng sẽ đưa lãi suất tiền gửi từ mức cao kỷ lục 4% hiện nay xuống 3,75%/năm.
Vàng giảm giá còn do trước đó test thất bại ở ngưỡng cản quan trọng 2.350 USD/ounce, qua đó kích hoạt làn sóng bán ra.
Vàng giảm giá còn chịu áp lực từ mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu. Giá dầu gần đây lao dốc sau khi liên minh gồm 8 thành viên OPEC+ - dẫn đầu là Arab Saudi và Nga - hôm 2/6 thông báo bắt đầu loại bỏ dần việc cắt giảm sản lượng trong 12 tháng tới, kể từ tháng 10/2024.
Vàng còn chịu áp lực giảm khi giới đầu tư tin tưởng vào khả năng lạm phát Mỹ giảm.
Dù vậy, triển vọng trung và dài hạn vẫn khá tươi sáng. Nhiều dự báo giá vàng có thể lên trở lại ngưỡng 2.400 và có thể chinh phục 2.500 USD/ounce, thậm chí 2.600 USD/ounce (tương đương 80,6 triệu đồng/lượng) trong nửa cuối năm nay.
Tới sáng 5/6 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên thị trường châu Á đã lên trở lại mức 2.327 USD/ounce.
Hiện tại, mọi con mắt dồn vào biến động của đồng USD. Nếu đồng tiền này bị bán ra mạnh, giá vàng có thể tăng vọt.
Trong nước, giá vàng miếng SJC tiếp tục giảm rất nhanh, từ đỉnh 92,5 triệu đồng/lượng (giá bán) hôm 10/5 xuống dưới 79 triệu đồng/lượng vào cuối giờ chiều 4/6. Chênh lệch với giá thế giới được rút từ đỉnh 18-20 triệu đồng/lượng xuống còn gần 7 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu kéo giá vàng miếng SJC về sát giá thế giới quy đổi, hiện khoảng 72 triệu đồng/lượng. Nếu đúng như vậy, những người mua vàng miếng SJC ở giá đỉnh có thể phải đợi vàng thế giới lên 3.000 USD/ounce mới hòa vốn.
Tuy nhiên, khả năng kéo giá vàng SJC về ngang với thế giới là khá khó khi sức cầu trong nước còn lớn, cung khiêm tốn. Thế giới các nước cũng đang mua vàng mạnh.