Chênh lệch cao
Kết thúc phiên giao dịch 7/5, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 69,75 triệu đồng/lượng (mua vào)- 70,47 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 69,75 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,45 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji Hà Nội niêm yết ở mức 69,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại TP.HCM, Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 69,8 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 70,4 triệu đồng/lượng.
Vàng thế giới mạnh xuống sâu dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce nhưng giá vàng trong nước vẫn neo quanh mốc 70 triệu đồng/lượng, cao hơn 18-19 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới quy đổi.
Tuần quá, giá vàng đã có thời điểm mất mốc 70 triệu đồng/lượng. Cụ thể, phiên ngày 3/5, giá vàng 9999 tại Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC giao dịch ở mức 69,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,97 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 450 nghìn đồng ở chiều mua vào và giảm 400 nghìn đồng ở chiều bán ra so với kết thúc phiên giao dịch hôm 29/4. Đây là mức giảm khá mạnh của giá vàng SJC so với trước kỳ nghỉ lễ.
Còn giá vàng 9999 tại Hà Nội được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji giao dịch ở mức 69,55 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,25 triệu đồng/lượng (bán ra), giá không đổi so với kết thúc phiên giao dịch hôm 29/4.
Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam tăng từ 18,6 tấn trong quý 4 năm 2021 lên 19,6 tấn trong quý 1 năm 2022.
Dự báo giá vàng
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao tháng 6 tăng 7,1 USD, tương đương 0,4%, chốt phiên cuối tuần ở mức 1.882,8 USD/ounce. Tính chung cả tuần, kim loại quý này để mất 1,5% giá trị, đánh dấu tuần giảm thứ 3 liên tiếp.
Thị trường vàng toàn cầu đã có khởi sắc trong quý đầu tiên năm 2022, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, nhờ dòng vốn ETF mạnh mẽ, đã phản ánh trạng thái vàng là kênh đầu tư trú ẩn an toàn trong thời kỳ địa chính trị và kinh tế bất ổn.
Tâm lý lạc quan đã được cải thiện giữa các nhà phân tích Phố Wall và các nhà đầu tư bán lẻ khi Cục Dự trữ Liên bang đưa ra kế hoạch chính sách tiền tệ của mình trong suốt mùa hè.
Theo WGC, sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tổng nhu cầu về vàng thỏi và đồng xu vàng tăng 4%, từ 13,5 tấn trong quý đầu tiên của năm 2021, lên 14 tấn trong cùng quý năm 2022 và nhu cầu đồ trang sức tăng 10%, từ 5,1 tấn trong quý 1/2021 lên 5,6 tấn trong quý 1 năm 2022.
Ông Andrew Naylor, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, lạm phát gia tăng và sự suy yếu của tiền đồng ở Việt Nam đã làm tăng sức hấp dẫn đối với vàng thể hiện qua phí bảo hiểm trong nước cao. Các lễ hội địa phương bao gồm dịp Tết Âm lịch vào tháng 2, Ngày lễ Tình nhân và Ngày vía Thần tài đã hỗ trợ nhu cầu trang sức tăng so với năm ngoái, cùng với sự phục hồi của hoạt động kinh doanh về mức trước dịch Covid-19.
Ông Louise Street, nhà phân tích cấp cao EMEA tại WGC nhận định, quý đầu tiên của năm 2022 là một quý có nhiều hỗn loạn, được đánh dấu bởi các cuộc khủng hoảng địa chính trị, những khó khăn trong chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Những sự kiện toàn cầu và điều kiện thị trường này đã củng cố vị thế của vàng như một kênh trú ẩn an toàn, không chỉ cho các nhà đầu tư mà còn cho người tiêu dùng bán lẻ nhờ vào vị thế độc nhất vô nhị của nó.
Còn theo Robert Minter, Giám đốc phụ trách chiến lược đầu tư vào ETF của ABRDN, nhu cầu đầu tư vào vàng sẽ tăng trong năm nay, khi lãi suất tăng và lạm phát cao.
Bảo Anh