"Điều cốt yếu để các bệnh viện công có thể duy trì và phát triển là phải thu đúng, thu đủ viện phí. Như vậy, mới có cơ hội, điều kiện để tồn tại, càng ngày càng giảm ngân sách phụ thuộc nhà nước", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.
Lời tòa soạn
Tháng 8/2022, tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần sớm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, giảm chi tiền túi của người dân. Yêu cầu này tiếp tục được ông nhắc lại trong lần đi kiểm tra đột xuất các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, hồi tháng 4 vừa qua.
Thực tế, viện phí công lập thấp đang là rào cản khiến các bác sĩ các tuyến như "bó tay, bó chân", người dân bị ảnh hưởng đầu tiên. Yêu cầu phải tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là khi chỉ còn gần nửa năm nữa, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực.
VietNamNet đăng tải loạt bài viết Cách tính viện phí ở Việt Nam lạc hậu và yêu cầu bức thiết phải thay đổi.
Ảnh hưởng của việc chậm tính đúng, tính đủ viện phí bệnh viện công lập nhiều lần được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nhắc đến.
Khi thay mặt Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào cuối năm 2022, Bộ trưởng Lan cho biết nguyên nhân của việc chậm tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là do còn nhiều vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Ví dụ, việc giám định các chi phí kết cấu trong giá, không thanh toán các chi phí chưa sử dụng hết định mức nhưng không bổ sung các chi phí chưa tính hoặc tính chưa đủ trong định mức và giá dịch vụ khám chữa bệnh…
Bên cạnh đó, do kết cấu chi phí tiền lương theo ngạch, bậc và lương tối thiểu vào giá dịch vụ thấp, nên cơ chế chi trả tiền lương tăng thêm cho cán bộ y tế phụ thuộc vào phần tiết kiệm chi và chi tăng thêm sau chi phí. Điều này tạo áp lực cho các cơ sở y tế, buộc các đơn vị bằng mọi cách tiết kiệm, thậm chí cắt giảm quyền lợi của người bệnh hoặc chỉ định quá mức cần thiết để có nguồn chi lương tăng thêm.
Nhiều giá dịch vụ kỹ thuật được ban hành từ 20 năm trước
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, việc nghiên cứu xây dựng quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, đảm bảo nguồn lực tự chủ hoạt động của các bệnh viện công lập sẽ làm cơ sở khuyến khích các bệnh viện tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế.
Vừa qua, Bộ Y tế tổ chức tập huấn triển khai, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ khám chữa bệnh. Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, đơn vị được Bộ Y tế giao xây dựng định mức, cho rằng đây là căn cứ để tính giá đầu vào dịch vụ chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh phù hợp với tình hình, do giá nhiều dịch vụ kỹ thuật ban hành từ gần 20 năm trước, cần phải cập nhật, điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ.
“Tính đúng, tính đủ là điều rất cần thiết để duy trì hoạt động của bệnh viện”, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nói. Vị lãnh đạo này từng bày tỏ "bệnh viện không tính lãi mà chỉ cần tính đủ viện phí".
Trong các yếu tố cấu thành giá, thuốc và vật tư không có lãi vì mua bao nhiêu sẽ được thanh toán bấy nhiêu, chưa kể hao hụt trong quá trình bảo quản, sử dụng. Còn nhiều yếu tố cấu thành khác, bệnh viện đang phải trả tiền để vận hành bộ máy và các hoạt động khám chữa bệnh thì không được tính hoặc tính không đầy đủ. "Ngay cả việc tăng phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn phải có nguồn thu từ chính giá dịch vụ y tế", ông Cơ nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, điều cốt yếu để các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện công, có thể duy trì và phát triển, là phải thu đúng, thu đủ.
"Như vậy, các bệnh viện mới có cơ hội, điều kiện để tồn tại, càng ngày càng giảm ngân sách phụ thuộc nhà nước, tiến tới từng bước tự chủ", ông nói. Đồng thời, cùng với lộ trình tính đúng tính đủ, được phép thu đủ, các bệnh viện chắc chắn sẽ phát triển kỹ thuật, đặc biệt kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, ngang tầm các nước khác.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện hơn 40% chi phí khám, chữa bệnh là từ tiền túi người sử dụng dịch vụ y tế, lãnh đạo bộ hy vọng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo hướng đúng, tính đủ sẽ "từng bước giảm chi tiền túi của người dân".
"Việc tính đúng giá dịch vụ y tế là yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế", ông Thuấn nói.
Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết việc tính đúng, tính đủ giá viện phí sẽ giúp các bệnh viện đủ chi phí vận hành và tái đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị; có chi phí cho đào tạo chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Theo ông Dương, khi bệnh viện ở các tuyến đều có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng và chuyên môn, người dân sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ kỹ thuật cao nhiều hơn tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên.
"Đặc biệt, khi giá dịch vụ được tính đúng tính đủ, người tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán toàn bộ, thay vì phải tự thanh toán giá khấu hao thiết bị, cơ sở hạ tầng và quản lý - điều hành bệnh viện như hiện nay", TS Dương nói với VietNamNet.
Bệnh viện Bạch Mai là một trong các bệnh viện đầu ngành được Bộ Y tế giao xây dựng định mức cho hơn 5.000 kỹ thuật ở 14 chuyên khoa khác nhau, hoàn thành trước ngày 31/8 giai đoạn 1 của lộ trình xây dựng định mức này. PGS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện, cho hay từ việc xây dựng danh mục kỹ thuật, quy trình kỹ thuật, sẽ tiến đến xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật rồi áp giá theo định mức sẽ ra giá của dịch vụ kỹ thuật.
Lấy ví dụ về định mức kinh tế kỹ thuật của một ca mổ ruột thừa, cần 2 bác sĩ phẫu thuật, 1 bác sĩ gây mê, 1 y tá dụng cụ và các loại thuốc như kháng sinh, thuốc mê, cần các loại máy, dao mổ, chỉ khâu... Cần tính toán lương 1 giờ của bác sĩ, y tá là bao nhiêu, giá của các trang thiết bị, vật tư, các chi phí quản lý, khấu hao…
Từ định mức các bệnh viện xây dựng trên căn cứ thực tiễn lâm sàng, Bộ Y tế sẽ quyết định mức chung. Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, định mức kinh tế kỹ thuật chuyên môn trong khám chữa bệnh sẽ được hoàn thiện trong quý III để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, trước mắt sẽ tập trung hoàn thiện các dịch vụ kỹ thuật thiết yếu, sau đó từng bước bổ sung, cập nhật.
Từ hơn 18.200 dịch vụ chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã "rút" về còn hơn 9.000 dịch vụ, Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định việc "rút gọn" này đảm bảo các dịch vụ không bị trùng và cập nhật các dịch vụ kỹ thuật mới. Dự kiến, danh mục này sẽ được ban hành và áp dụng tại các cơ sở y tế công lập khi Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024.
Cần "phân luồng" bệnh nhân
Theo ông Đào Xuân Cơ, để vận hành bệnh viện, chuyện tính đúng tính đủ là hết sức cần thiết, nhưng không có nghĩa là mọi người dân đến bệnh viện đều thu đúng, thu đủ.
Theo ông Cơ, cần phải "phân luồng", "chia luồng" bệnh nhân. Những bệnh nhân có điều kiện kinh tế, hoàn toàn có thể chi đúng, chi đủ viện phí, kỹ thuật được hưởng. Tuy nhiên, các đối tượng còn lại, như người hưởng BHYT, đối tượng có công, thuộc diện chính sách, người thuộc hộ nghèo, với những bệnh viện như Bạch Mai cần thực hiện an sinh xã hội, và Nhà nước cần đầu tư nguồn lực để bệnh viện thực hiện.
Một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương cũng cho rằng việc nâng mệnh giá đóng BHYT (hiện là 4,5% mức lương cơ sở) là điều cần thiết để thanh toán đúng và đủ theo giá dịch vụ y tế thực tế, nhưng điều này rất khó khăn. Đồng tình quan điểm này, ông Cơ chia sẻ hiện chưa thể nâng mệnh giá thẻ BHYT do điều kiện đóng của người dân.
Do đó, theo Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, việc Bộ Y tế ban hành quy định về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ giúp một bộ phận người dân có nhu cầu, có điều kiện chi đúng, chi đủ giá viện phí. "Nguồn lực này sẽ 'bù' các khoản chi như đãi ngộ cán bộ yên tâm công tác, phục vụ những người dân chưa có điều kiện, huy động nguồn lực xã hội vào hoạt động khám chữa bệnh trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn", ông Cơ nói.
Nếu chỉ nhìn vào giá khám bệnh gần 39.000 đồng, siêu âm 44.000 đồng, ai cũng nghĩ có lợi cho đa số người dân thu nhập trung bình và thấp. Thực tế có phải như vậy?
Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), giá dịch vụ siêu âm ổ bụng là 43.900 đồng/lần. Với giá này, từ lúc mua một máy siêu âm đến khi hết khấu hao tổng tiền thu được không đủ mua máy, chưa nói đến việc trả lương cho nhân viên y tế.