Chiều 11/5, nhiều tài xế xe ôm công nghệ tụ tập thành từng top bàn tán sôi nổi về chuyện giá xăng lại tiếp tục tăng, lên mức cao chưa từng có. Một nhóm khoảng gần 10 người chạy xe cho dịch vụ Grab tụ tập tại quán nước ở khu vực gần hồ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, họ tạm thời tắt app, không làm việc vì xăng tăng giá quá cao khiến tiền công cho mỗi cuốc xe của họ thêm bèo bọt.
Anh Hoàng Huynh, 28 tuổi, một trong số những tài xế này nói: “Như vậy là giá xăng đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay. Cách đây khoảng 1 năm, tôi đổ 50.000 đồng tiền xăng thì chạy được cả ngày. Còn bây giờ muốn thế thì phải đổ tầm 120.000 đồng. Tôi đang tạm thời tắt app không chạy xe để tính xem có nên làm tiếp hay là nghỉ”.
Anh Phùng Chiến, một tài xế khác trong nhóm này cho biết cứ sau mỗi cuốc xe hoàn thành, Grab thu phí 32%. “Bây giờ tôi đi chở khách, cứ mỗi lần vặn ga mạnh một chút hoặc gặp cảnh tắc đường thì càng tốn xăng hơn. Xăng tăng nghĩa là thu nhập giảm, trong khi gia đình còn bao nhiêu khoản phải lo lắng, tôi cũng chưa biết thời gian tới phải tính thế nào mới được đây”.
“Trong hơn 3 năm chạy Grab, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến giá xăng tăng cao đến như vậy, gấp đôi so với cái ngày tôi mới đi làm nghề này. Thế nhưng thu nhập trên mỗi cuốc tuy có tăng so với ngày đó nhưng hãng họ cũng tăng chiết khấu lên nhiều lần rồi. Nếu như trước đây một ngày chạy được khoảng 700.000 đồng, trừ mọi chi phí cũng phải bỏ túi được hơn 400.000 đồng thì bây giờ chỉ thu về chưa đầy 300.000 đồng. Xăng tăng giá, tiền ăn hàng ngày cũng tăng theo. Chi phí bỏ ra thì cứ liên tục tăng lên còn thu nhập vẫn vậy khiến tôi cảm thấy sao mà khó sống quá”, ông Nguyễn Văn Nam, 50 tuổi nói.
Xăng tăng giá như đang “gặm nhấm” trực tiếp vào ví tiền của những tài xế xe ôm công nghệ bởi tiền xăng là khoản chi phí hàng ngày và bắt buộc mà mỗi tài xế phải tự móc tiền trong ví của mình ra trước khi nổ xe đi làm.
Trước đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 mà anh Lê Văn Niệm - tài xế Grabcar - đã chứng kiến không ít bạn bè đồng nghiệp của mình phải bán ô tô giải nghệ vì vắng khách. Còn bây giờ khi giá xăng đắt đỏ thì số đồng nghiệp của anh lại tiếp tục “rơi rụng”.
“Vừa có một anh bạn rao bán xe rồi. Người bạn ấy của tôi vay tiền ngân hàng mua xe trả góp để chạy Grab. Xăng liên tục tăng giá cao quá, không chịu nổi nhiệt nữa đành rao bán xe vì có chạy cả ngày, trừ chi phí, trừ tiền lãi ngân hàng đi thì không để ra được đồng nào”, anh Niệm nói.
Ngay cả chính anh Niệm cũng giật mình sau khi tính toán lại các khoản chi phí và thu nhập: “Chạy quần quật cả ngày từ sáng đến tối thu về được khoảng 800.000 đồng. Sau khi trừ tiền xăng và nước uống thì mới nhận ra mình mới có 300.000 đồng mang về nhà. Nếu trừ thêm cả khấu hao xe nữa thì không biết còn cầm về được bao nhiêu”.
Theo anh Niệm, xăng tăng giá tạo ra một nghịch lý cho những tài xế chạy xe công nghệ đó là càng chạy nhiều thì lỗ càng nhiều, nhất là vào lúc thời tiết nóng nực, điều hòa phải bật liên tục như những ngày này.
Anh Hoàng Nam, 31 tuổi cho biết ngoài việc hạn chế tối đa việc di chuyển xe không, anh luôn tắt điều hòa mỗi khi chưa đón được khách để tiết kiệm nhiên liệu.
“Bất đắc dĩ thì phải dùng cách đó để tiết kiệm chi phí thôi, chứ ai chả muốn ngồi điều hòa mát lạnh cả ngày”, anh Nam nói.
Ngoài ra, để hạn chế tối đa chi phí xăng dầu, anh Nam cho biết anh chủ động tắt app vào giờ cao điểm. Bởi theo anh, vào giờ cao điểm dù có đón được khách thì ùn tắc giao thông khiến tốn nhiên liệu hơn trong bối cảnh xăng tăng cao như hiện tại, làm cho mỗi cuốc xe không còn lãi.
“Ví dụ một cuốc xe khoảng cách 10km, lúc đường thông hè thoáng chạy hết khoảng hơn 10 phút. Nhưng vẫn khoảng cách ấy lúc tan tầm có khi mất hơn 30 phút đồng hồ, xăng tốn gấp 2-3 lần chạy cũng chỉ có lỗ thì chạy làm gì!”, anh chia sẻ.
Trên các hội nhóm về xe công nghệ, hàng chục nghìn tài xế cũng đang bàn tán sôi nổi về câu chuyện xăng tăng giá.
Tài khoản Đinh T. bình luận: “Làm có khi không đủ để bỏ vào mồm với cái điều hòa bật số 2, số 3”. Tài khoản Hoàng Đ. nói: “Đổ 800.000 đồng tiền xăng,chạy chưa được 800.000 đồng đã gần hết xăng”.
Tài khoản Trần D. chia sẻ: “Xăng lên mà phí của các hãng công nghệ thu cao như hiện tại thì mệt mỏi, Grab thu phí 32%, Gocar thu 35% còn Be thu 39%. Trong lúc khó khăn thế này, nhiều người muốn bỏ nghề lắm”.
Chiều 11/5, liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng tăng hầu hết các mặt hàng.
Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít, giá bán lẻ là 28.959 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.554 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 29.988 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel tăng 1.120 đồng/lít, lên 26.650 đồng/lít.
Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, bán ra 25.168 đồng/lít.
Riêng dầu mazut giữ nguyên giá, bán ra không cao hơn 21.560 đồng/kg.
(Theo VTC News)
Sau khi giá xăng tăng mạnh, các hãng xe công nghệ đồng loạt điều chỉnh tăng giá cước vận chuyển. Các hãng xe taxi cũng rục rịch tăng giá theo.