Giá xăng dầu trong nước hôm nay 1/11/2023
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu vào chiều nay (1/11) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Giá xăng dầu trong nước đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu tuần qua giảm khá mạnh. Còn tại thị trường Singapore, ở kỳ điều hành này, giá xăng thành phẩm bình quân tăng nhẹ so với kỳ trước.
Do đó, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, tại kỳ điều hành hôm nay, giá xăng có thể tăng còn giá dầu có khả năng giảm nhẹ.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 220-520 đồng/lít tùy loại. Với mức tăng này thì giá xăng trong nước có thể lên mức 24.000 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ BOG thì giá xăng có thể tăng ít hơn.
Ngược lại, giá dầu bán lẻ trong nước được dự báo giảm nhẹ, với mức giảm từ 200-400 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 23/10), giá xăng dầu được điều chỉnh tăng nhẹ.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 460 đồng/lít, lên 22.360 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 470 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.510 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 70 đồng/lít, lên mức 22.480 đồng/lít. Còn giá bán lẻ dầu hỏa tăng 290 đồng/lít, lên 22.750 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 1/11/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 1/11 có xu hướng đi lên theo đà tăng từ phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h09' ngày 1/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 87,41 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 81,12 USD/thùng.
Hôm 31/10, giá xăng dầu thế giới quay đầu tăng sau khi giảm tới hơn 3% trong phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h19' ngày 31/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 88,11 USD/thùng, tăng 0,66 USD, tương đương 0,75% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 82,93 USD/thùng, tăng 0,62 USD, tương đương 0,75% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu hồi phục khi các nhà đầu tư vẫn lo ngại về nguồn cung bị thắt chặt.
Sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ của Iran vẫn là rủi ro lớn với thị trường. Nếu Mỹ thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đối với dầu của Iran thì nguồn cung dầu của thế giới có thể mất khoảng từ 500.000 thùng/ngày đến 1 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ do thị trường lo ngại về triển vọng xuất khẩu dầu thô từ Venezuela có thể bị ảnh hưởng bởi những bất ổn chính trị tại nước này.
Dù tâm lý lo ngại xung đột Israel - Hamas phần nào giảm bớt nhưng nguy cơ căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang vẫn còn tiềm ẩn. Diễn biến của giá dầu thế giới sẽ phụ thuộc khá nhiều vào việc liệu Israel có mở rộng cuộc tấn công trên bộ hay không.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, số liệu của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ yếu hơn dự kiến làm dấy lên lo ngại rằng nhu cầu nhiên liệu từ quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này sẽ chậm lại.
Thị trường đang theo dõi chặt chẽ cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ kết thúc vào hôm nay, mặc dù có nhiều khả năng Fed sẽ không thay đổi lãi suất.
Ngày 30/10, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo giá dầu thế giới sẽ đạt trung bình 90 USD/thùng trong quý IV và 81 USD/thùng trong cả năm 2023. Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo rằng sự leo thang của xung đột ở Trung Đông có thể đẩy giá dầu tăng cao hơn.