Giá xăng dầu trong nước hôm nay 11/10/2023
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu vào chiều nay (11/10) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, ở kỳ điều hành này, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore và giá dầu thế giới giảm tương đối mạnh so với kỳ trước. Do đó, giá xăng dầu bán lẻ trong nước có thể giảm theo.
Theo dự báo, trong kỳ điều hành hôm nay, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 1.300-1.800 đồng/lít tùy loại. Còn giá dầu có khả năng giảm từ 800-1.300 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn giá thì giá bán lẻ xăng, dầu trong nước vào hôm nay có thể giảm ít hơn.
Trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 2/10), giá xăng được điều chỉnh giảm mạnh, còn giá dầu giữ nguyên (trừ dầu mazut).
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 690 đồng/lít, xuống mức 23.500 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 900 đồng/lít, giá bán không cao hơn 24.840 đồng/lít.
Giá dầu diesel giữ nguyên ở mức 23.590 đồng/lít. Giá dầu hỏa giữ ở mức 23.810 đồng/lít. Giá dầu mazut giảm 395 đồng/kg, giá bán là 17.452 đồng/kg.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 11/10/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 11/10 có xu hướng đi xuống theo đà giảm từ phiên trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h05' ngày 11/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 87,82 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 86,07 USD/thùng.
Hôm 10/10, giá dầu giảm nhẹ sau khi tăng hơn 4% ở phiên đầu tuần.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h20' ngày 10/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 88,01 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 86,22 USD/thùng.
Đến 21h31' ngày 10/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 87,44 USD/thùng, giảm 0,77 USD, tương đương 0,81% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 85,63 USD/thùng, giảm 0,75 USD, tương đương 0,87% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu hạ nhiệt khi các nhà giao dịch tỏ ra thận trọng trước khả năng gián đoạn nguồn cung do căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang diễn ra.
Ngày 7/10, nhóm Hồi giáo Palestine Hamas đã phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào Israel. Và Israel đã trả đũa bằng một đợt không kích vào dải Gaza.
Cuộc xung đột này làm gia tăng lo ngại về bất ổn địa chính trị tại Trung Đông. Xung đột giữa Hamas và Israel tác động mạnh đến giá dầu và vàng.
Mặc dù Israel sản xuất rất ít dầu thô nhưng các chuyên gia lo ngại nếu xung đột leo thang có thể ảnh hưởng đến nguồn cung ở Trung Đông và làm trầm trọng thêm tình trạng thâm hụt nguồn cung.
Thêm nữa, một số nhà phân tích cho rằng, cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đang làm giảm đáng kể kỳ vọng Saud Arabia sẽ sớm điều chỉnh các biện pháp hạn chế sản lượng tự nguyện lên tới 1 triệu thùng dầu/ngày. Việc này sẽ khiến nguồn cung dầu trên thị trường thế giới trở nên eo hẹp.
Ngoài ra, tác động của cuộc xung đột cũng có thể khiến khả năng xuất khẩu dầu mỏ của Iran chậm lại. Sản lượng dầu xuất khẩu của Iran vốn đã tăng trưởng đáng kể trong năm nay, bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.
Giới đầu tư đang theo dõi số liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào thứ 5 cùng với các báo cáo nguồn cung và nhu cầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) được công bố vào hôm nay và ngày mai để có thêm manh mối về diễn biến giá dầu trong thời gian sắp tới.