Giá xăng dầu trong nước hôm nay 11/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu chiều nay (11/8) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho hay, giá xăng nhập kỳ vừa qua tuy giảm nhưng mức giảm rất nhẹ. Do đó, xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước tại kỳ điều hành hôm nay có thể giảm 100-200 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu trên thị trường Singapore ở kỳ vừa qua tăng khá mạnh. Cùng với đó, giá dầu thế giới gần đây tăng cao. Do đó, giá bán lẻ dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều nay có khả năng tiếp tục đi lên, với mức tăng được dự đoán có thể trên dưới 1.000 đồng/lít
Trong trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn, giá bán lẻ xăng trong nước vào hôm nay có thể tăng nhẹ.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 1/8), giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh.
Theo đó, giá xăng RON 95-III tăng 1.170 đồng/lít, lên mức 23.960 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92-II tăng 1.160 đồng/lít, giá bán là 22.790 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 1.110 đồng/lít, giá ở mức 20.610 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.090 đồng/lít, lên mức 20.270 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 11/8
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 11/8 có dấu hiệu suy giảm.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h25' ngày 11/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,4 USD/thùng. Giá dầu WTI được giao dịch ở mức 82,88 USD/thùng.
Hôm 10/8, giá xăng dầu thế giới chững lại sau khi tăng lên mức cao nhất trong nhiều tháng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h05' ngày 10/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 87,3 USD/thùng. Giá dầu WTI được giao dịch ở mức 84,15 USD/thùng.
Đến 20h30' ngày 10/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent về mức 87,16 USD/thùng, giảm 0,39 USD, tương đương 0,45% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 83,83 USD/thùng, giảm 0,57 USD, tương đương 0,68% so với phiên liền trước.
Theo Reuters, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8, giá dầu đã đạt đỉnh mới. Cụ thể, giá dầu thô Brent lên 87,55 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 27/1. Tương tự, giá dầu WTI lên mức 84,4 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.
Giá dầu tăng cao trong bối cảnh lo ngại thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trở nên sâu sắc. Việc Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng khiến nguồn cung dầu mỏ có thể thắt chặt.
Saudi Arabia có kế hoạch tiếp tục giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày đến tháng 9. Nga cũng cho biết sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 300.000 thùng/ngày trong tháng 9.
Ngoài ra, căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở khu vực Biển Đen có thể đe dọa các chuyến tàu chở dầu của Nga.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã chững lại khi giới phân tích dự báo nhu cầu của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc yếu hơn.
Các nhà phân tích cho rằng mùa hè tại Mỹ sắp kết thúc nên nhu cầu xăng dầu tại nước này sẽ giảm.
Cùng với đó, giá dầu hạ nhiệt nhanh sau khi Trung Quốc công bố loạt dữ liệu cho thấy hoạt động thương mại kém tích cực trong tháng 7, bao gồm nhập khẩu dầu thô.
Thêm nữa, giá USD tăng lên sau phát biểu của quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất. Lãi suất tăng lên sẽ tác động tiêu cực đến giá dầu.