Tiếp đà tăng của phiên giao dịch cuối tuần trước, giá xăng dầu thế giới ở phiên đầu tuần này ngập trong sắc xanh.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h11' hôm nay (ngày 13/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 82,96 USD/thùng, tăng 0,18 USD, tương đương 0,22% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 76,9 USD/thùng, tăng 0,22 USD, tương đương 0,29% so với phiên liền trước.
Tuần qua, thị trường xăng dầu thế giới ghi nhận 1 tuần giảm giá khá mạnh, dù đã đảo chiều tăng trong phiên cuối cùng.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng 2 phiên và giảm 3 phiên. Giá dầu tăng, giảm do chịu tác động bởi nhiều yếu tố.
Ở phiên đầu tuần, giá dầu tăng nhẹ nhờ lo ngại thiếu hụt nguồn cung và hy vọng nhu cầu của Trung Quốc tăng lên.
3 phiên liên tiếp sau đó, giá dầu đã trượt dốc không phanh trong bối cảnh lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuyển sang tăng lãi suất mạnh mẽ hơn cùng với sự mạnh lên của đồng USD.
Cụ thể, ngày 7/3, giá dầu thế giới giảm gần 3 USD sau khi bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng lãi suất sẽ cần phải tăng cao hơn để kiểm soát lạm phát. Giá dầu tăng tạo thêm sức ép lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu năng lượng.
Đến phiên 8/3, dù lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm nhiều hơn dự doán nhưng giá dầu thế giới vẫn tiếp tục lao dốc trước những lo ngại các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn của Mỹ.
Đà giảm của giá dầu quốc tế vẫn tiếp diễn trong phiên 9/3 khi các nhà giao dịch lo ngại rủi ro suy thoái khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 4/3 tăng vượt dự báo.
Tuy nhiên, đến ngày 10/3, giá dầu quay đầu tăng nhờ báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới được tạo ra trong tháng 2/2023 cao hơn dự kiến. Các số liệu khả quan về thị trường lao động có thể coi là yếu tố hỗ trợ cho giá dầu, vì một nền kinh tế khỏe mạnh là tín hiệu tốt cho nhu cầu năng lượng.
Dù tăng trong phiên 10/3 nhưng giá dầu WTI và giá dầu Brent vẫn giảm lần lượt 3,8% và 3,6% trong tuần qua. Cả hai loại dầu này trong tuần qua đều có mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 17/2.
Theo dữ liệu từ Oilprice, kết thúc tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,78 USD/thùng, giá dầu WTI chốt tuần ở mức 76,68 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu từ 15h hôm nay (13/3) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành hôm nay (ngày 13/3), giá bán lẻ xăng trong nước có thể tăng nhẹ theo giá xăng nhập. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào việc điều hành Quỹ bình ổn giá.
Theo dự báo, giá xăng bán lẻ trong nước vào chiều 13/3 có thể được điều chỉnh tăng từ 110-210 đồng/lít. Giá dầu hỏa và dầu diesel có khả năng tăng từ 570-760 đồng/lít.
Như vậy, nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước sẽ quay đầu tăng sau khi giảm 2 lần liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 3 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.