Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay quay đầu tăng sau khi giảm 3 phiên liên tiếp. Giá dầu Brent đã chiếm lại mốc 85 USD/thùng, giá dầu WTI cũng lên mức 79 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h hôm nay (ngày 16/2, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 85,77 USD/thùng, tăng 0,43 USD, tương đương 0,5% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 79,05 USD/thùng, tăng 0,46 USD, tương đương 0,59% so với phiên liền trước.
Trước đó, trong phiên 15/2, giá dầu thế giới ghi nhận mức giảm nhẹ sau khi Mỹ công bố dữ liệu liên quan đến lạm phát và thị trường có thêm dữ liệu tích cực về nguồn cung dầu.
Trong ngày hôm qua (15/2), giá dầu Brent có lúc đã mất mốc 85 USD/thùng, giá dầu WTI xuống mức 78 USD/thùng.
Cụ thể, lúc 20h14' ngày 15/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 84,86 USD/thùng, giảm 0,72 USD, tương đương 0,84% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 78,34 USD/thùng, giảm 0,72USD, tương đương 0,91% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu hôm nay có xu hướng đi xuống sau khi Mỹ công bố dữ liệu liên quan đến lạm phát tăng cao hơn so với dự báo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Mỹ ghi nhận mức tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức dự báo là 6,2%. Tuy nhiên, CPI tháng 1 của Mỹ đã giảm nhẹ so với con số 6,5% của tháng trước đó.
Theo một cuộc thăm dò của Reuters, nhiều nhà kinh tế dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài. Lạm phát cao và các đợt tăng lãi suất tiếp theo có thể ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro như dầu mỏ. Thông tin này đã củng cố sức mạnh của đồng USD và kéo giá dầu đi xuống.
Giá dầu hạ nhiệt còn do những lo ngại về nguồn cung đã giảm bớt sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết họ dự kiến sản lượng tháng 3 đạt kỷ lục từ 7 lưu vực đá phiến lớn nhất của nước này.
EIA cho hay, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 2,4 triệu thùng, lên 455,1 triệu thùng, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021; dự trữ xăng tăng 5 triệu thùng; dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng 2,9 triệu thùng.
Ngoài ra, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) mới đây tiết lộ sẽ bán 26 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR). Điều này có thể đẩy dự trữ dầu của nước này xuống mức thấp nhất kể từ năm 1983.
Cùng với đó, những lo ngại về nguồn cung đã được giải tỏa phần nào nhờ hoạt động xuất khẩu dầu của Azerbaijan từ cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ đã được nối lại sau trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển khu vực. Việc này giúp giá dầu hạ nhiệt.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã được hạn chế khi báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 2 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nêu những triển vọng về nhu cầu dầu.
Trong báo cáo này, OPEC đã nâng dự báo về lượng dầu thô cần bơm trong năm nay thêm 250.000 thùng/ngày, lên mức trung bình 29,42 triệu thùng/ngày. Con số này cao hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, với kỳ vọng tiêu thụ ở các thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ sớm bùng nổ.
OPEC dự kiến nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 590.000 thùng/ngày trong năm 2023, tăng so với dự báo của tháng trước là 510.000 thùng/ngày.
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (16/2) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 13/2 của Liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 tăng 540 đồng/lít, giá bán là 22.860 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 620 đồng/lít, lên mức 23.760 đồng/lít.
Trong khi đó, giá các mặt hàng dầu đều giảm. Dầu hoả giảm 980 đồng, về mức 21.590 đồng/lít; giá dầu diesel hạ 960 đồng, còn 21.560 đồng/lít. Còn giá dầu mazut giảm 300 đồng/kg, về mức 13.630 đồng/kg.