Giá dầu thế giới sáng hôm nay (17/10) quay đầu tăng nhẹ sau khi giảm mạnh vào tuần trước. Theo dữ liệu từ Oilprice, vào 7h42' ngày 17/10 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12 được giao dịch ở mức 92,51 USD/thùng, tăng 0,88 USD, tương đương 0,96% so với hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu WTI giao tháng 11 được giao dịch ở mức 86,4 USD/thùng, tăng 0,79 USD, tương đương 0,92% so với hôm qua.
Trong tuần qua, giá dầu thế giới giảm khá mạnh. Theo thông tin từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, kết thúc tuần 10-16/10, giá dầu WTI giảm 7,59% xuống 85,61 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 6,42% xuống 91,52 USD/thùng.
Giá dầu giảm trong tuần vừa rồi do lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng sau một loạt cảnh báo của các tổ chức lớn, lấn át rủi ro về nguồn cung.
Trong tuần vừa qua, giá dầu giảm đến 4 phiên, khi một loạt các thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Dịch Covid-19 tiếp tục gia tăng ở Trung Quốc sau kỳ nghỉ Tuần Lễ Vàng khiến cho chính phủ nước này càng quyết tâm theo đuổi đường lối kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, một số trường học đóng cửa trở lại để ngăn bệnh lây lan. Điều này sẽ khiến cho nhu cầu giao thông, đi lại của Trung Quốc tiếp tục bị kìm hãm, gây áp lực lên thị trường.
Tại Mỹ, các số liệu đo lường lạm phát như chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với kỳ vọng của thị trường, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất với mục đích khống chế giá cả.
Theo CME Watchtool, khoảng 99,4% thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11. Bên cạnh đó, một loạt tổ chức như IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2023 và cảnh báo về khả năng suy thoái kinh tế.
Mặt khác, giá dầu vẫn nhận được phần nào hỗ trợ do việc OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng cho tháng 11 và tháng 12. Mỹ cho rằng chính sách này bắt nguồn từ việc Saudi Arabia thúc đẩy các thành viên tham gia do muốn hỗ trợ Nga. Hiện tại, Mỹ được cho có 3 lựa chọn khả quan nhất, gồm: tiếp tục mở kho dầu dự trữ, thông qua đạo luật NOPEC để chống OPEC độc quyền trên thị trường dầu và cấm các công ty trong nước xuất khẩu nhiên liệu. Dù vậy, các biện pháp này chỉ mang tính tạm thời, do đó có thể sẽ không đạt nhiều hiệu quả và có thể khiến cho sự bất ổn gia tăng trên thị trường.
Trong năm tới, sản lượng dầu tại Mỹ khó có thể tăng mạnh để bù đắp cho sản lượng thiếu hụt từ OPEC+. Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng từ 7 lên 769 giàn hoạt động trong tuần kết thúc ngày 14/10. Mức tăng số lượng giàn khoan rất thấp qua các tuần cho thấy các công ty dầu tại Mỹ vẫn không sẵn sàng đầu tư để tăng sản lượng.
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 17/10 cụ thể như sau: giá xăng E5 là 21.290 đồng/lít; giá xăng RON95 không quá 22.000 đồng/lít; giá dầu diesel được bán ở mức 24.180 đồng/lít; giá dầu hoả là 22.820 đồng; giá dầu mazut là 14.090 đồng/kg.