Giá xăng dầu trong nước hôm nay 17/8
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 30 đồng/lít, giá bán là 22.820 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 30 đồng/lít, giá bán lên mức 23.990 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng mạnh tới 1.810 đồng/lít, giá bán là 22.420 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng 1.610 đồng/lít, giá lên mức 21.880 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 11/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.990 | + 30 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.820 | + 30 |
Dầu diesel | 22.420 | + 1.810 |
Dầu hỏa | 21.880 | + 1.610 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 17/8
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 17/8 tiếp đà giảm từ 3 phiên trước. Giá dầu Brent đã mất mốc 85 USD/thùng, còn giá dầu WTI mất mốc 80 USD/thùng.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h36' ngày 17/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 83,44 USD/thùng, giảm 0,01 USD, tương đương 0,01% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 79,3 USD/thùng, giảm 0,08 USD, tương đương 0,1% so với phiên liền trước.
Vào ngày 16/8, giá xăng dầu giảm nhẹ vào đầu phiên nhưng sau đó lại đảo chiều đi lên.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h19' ngày 16/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent xuống mức 84,84 USD/thùng, giảm 0,05 USD, tương đương 0,06% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 80,93 USD/thùng, giảm 0,04 USD, tương đương 0,05% so với phiên liền trước.
Đến 21h16' ngày 16/8 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 85,05 USD/thùng, tăng 0,14 USD, tương đương 0,19% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 81,14 USD/thùng, tăng 0,15 USD, tương đương 0,19% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá xăng dầu lấy lại đà tăng nhờ được hỗ trợ bởi dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh.
Dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) được công bố vào ngày 16/8 cho thấy tồn kho dầu thô thương mại của nước này giảm 6,2 triệu thùng trong tuần trước. Mức giảm này lớn hơn nhiều so với mức giảm 2,3 triệu thùng mà các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến của Reuters dự báo.
Bên cạnh đó, giá dầu được hỗ trợ bởi rủi ro nguồn cung còn tiềm ẩn. Việc cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga, hai thành viên quan trọng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (còn gọi là OPEC+), đã đẩy giá dầu tăng trong 7 tuần qua.
Tuy nhiên, lực cản cho giá dầu hiện nay là tình hình kinh tế kém sắc của Trung Quốc (nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới) sau loạt dữ liệu yếu kém về hoạt động kinh tế của nước này trong tháng 7.
Dữ liệu về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 7 đều thấp hơn dự kiến và thấp hơn tháng trước. Điều này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển chậm lại, làm gia tăng áp lực lên tốc độ tăng trưởng vốn đã chững lại và khiến các nhà chức trách phải cắt giảm lãi suất cơ bản để thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Các nhà phân tích của Ngân hàng ANZ cho hay, những lo ngại về nền kinh tế đang chững lại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ, bù đắp cho nguồn cung khan hiếm trên thị trường dầu mỏ.