Giá xăng dầu trong nước hôm nay 2/12/2023
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 2/12 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 30/11. Theo đó, giá xăng dầu được điều hành theo hướng tăng, giảm trái chiều.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên 21.790 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm về 22.990 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm còn 20.190 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu hỏa tăng lên 21.110 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 30/11 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.990 | -30 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.790 | +100 |
Dầu diesel | 20.190 | -90 |
Dầu hỏa | 21.110 | +170 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 2/12/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 2/12 tiếp tục đi xuống theo đà giảm từ 2 phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h46' ngày 2/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,88 USD/thùng, giảm 1,98 USD, tương đương 2,45% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 74,07 USD/thùng, giảm 1,89 USD, tương đương 2,48% so với phiên liền trước.
Hôm 1/12, giá xăng dầu thế giới giảm nhẹ sau khi giảm tới hơn 2% vào phiên trước nhé.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h28' ngày 1/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 80,43 USD/thùng, giảm 0,43 USD, tương đương 0,53% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 75,6 USD/thùng, giảm 0,36 USD, tương đương 0,47% so với phiên liền trước.
Giá dầu lao dốc sau khi kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) không mạnh mẽ như kỳ vọng. Đây là nhóm các nhà sản xuất chiếm tới 40% sản lượng dầu của toàn thế giới.
Theo Oilprice, tổng mức cắt giảm tự nguyện trong quý I/2024 của các thành viên OPEC+ sẽ là 2,184 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, trong gần 2,2 triệu thùng/ngày cắt giảm tự nguyện thì đã bao gồm 1 triệu thùng/ngày cắt giảm tự nguyện từ Saudi Arabia và 300.000 thùng/ngày của Nga. Như vậy, mức cắt giảm thêm trên thực tế vào khoảng 900.000 thùng/ngày.
Trước đó, các nước OPEC+ cho hay mức cắt giảm bổ sung mới được thảo luận lên tới 2 triệu thùng/ngày.
Mức cắt giảm tự nguyện thêm khoảng 900.000 thùng/ngày nếu được thực hiện nghiêm ngặt cũng có thể gây ra thâm hụt nhẹ trên thị trường. Điều này có thể hỗ trợ cho giá dầu trong ngắn hạn.
Báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết thị trường dầu có thể thâm hụt hơn 100.000 thùng/ngày trong quý đầu năm 2024.
Song, theo đánh giá của giới phân tích, sản lượng dầu ngoài OPEC+ có thể sẽ sớm bù đắp thiếu hụt, hạn chế đà tăng của giá dầu. Đáng chú ý, sản lượng dầu Mỹ đang ở mức kỷ lục 13,2 triệu thùng/ngày.
Theo Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), nhiều người đã bắt đầu đặt cược vào khả năng sẽ có những đợt cắt giảm bổ sung, bao gồm cả đợt cắt giảm chính thức không tự nguyện và kéo dài hơn. Nhưng ngân hàng này vẫn giữ nguyên triển vọng giá dầu cho năm 2024 do tăng trưởng nguồn cung từ Mỹ có thể chậm lại còn nguồn cung của OPEC có khả năng xuống thấp.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm còn do sản lượng dầu thô và tồn kho xăng dầu tại Mỹ (nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới) tăng lên.
Theo EIA, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 24/11 tăng 1,6 triệu thùng, trong khi tồn kho các sản phẩm chưng cất tăng 5,2 triệu thùng còn tồn kho xăng tăng 1,8 triệu thùng.