Giá xăng dầu trong nước hôm nay 2/2/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 2/2 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/2 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng. Đáng chú ý, giá xăng RON 95 tăng vượt mốc 24.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 740 đồng/lít, giá bán là 22.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 760 đồng/lít, giá bán tăng lên 24.160 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 620 đồng/lít, giá bán lẻ là 20.990 đồng/lít. Còn giá dầu hoả tăng 380 đồng/lít, giá bán là 20.920 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 1/2 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.160 | + 760 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.910 | + 740 |
Dầu diesel | 20.990 | + 620 |
Dầu hỏa | 20.920 | + 380 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 2/2/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 2/2 tiếp đà đi lên vào phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h03' ngày 2/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 79,22 USD/thùng, tăng 0,52 USD, tương đương 0,68% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 74,23 USD/thùng, tăng 0,41 USD, tương đương 0,56% so với phiên liền trước.
Ngày 1/2, giá xăng dầu đảo chiều tăng sau khi giảm tới hơn 2% ở phiên giao dịch ngày 31/1.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h32' ngày 1/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,32 USD/thùng, tăng 0,77 USD, tương đương 0,98% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 76,65 USD/thùng, tăng 0,8 USD, tương đương 1,05% so với phiên liền trước.
Giới phân tích cho rằng, giá dầu nhận được sự hỗ trợ bởi những đồn đoán về khả năng hạ lãi suất trong năm nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Trong bài phát biểu ngày 31/1, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết lãi suất đã đạt đỉnh và sẽ giảm xuống trong những tháng tới, khi lạm phát tiếp tục giảm, tăng trưởng kinh tế và việc làm ổn định. Fed tin rằng lạm phát sẽ giảm về mức mục tiêu 2%.
Trong khi đó, căng thẳng ở Biển Đỏ vẫn hỗ trợ giá dầu. Xung đột ở Biển Đỏ giữa Mỹ và lực lượng Houthi đã làm gián đoạn hoạt động vận chuyển tàu chở dầu và khí đốt tự nhiên, khiến chi phí giao hàng tăng cao và bắt đầu ảnh hưởng đến nguồn cung dầu.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của hãng tin Reuters, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 1 đã ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 7/2023 do một số thành viên thực hiện cắt giảm sản lượng tự nguyện mới và sản lượng giảm ở Libya.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy OPEC đã bơm 26,33 triệu thùng/ngày trong tháng 1, giảm 410.000 thùng/ngày so với tháng 12/2023.
Cùng với đó, những hi vọng về những biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, cũng nâng đỡ giá dầu.
Mới đây, Trung Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ bất động sản mới, trước những lo ngại về tác động từ việc thanh lý tài sản của Evergrande.
Các chuyên gia phân tích của JPMorgan nhận định, Trung Quốc vẫn là nước đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay. Theo đó, JPMorgan dự báo nhu cầu dầu ở Trung Quốc có thể tăng 530.000 thùng mỗi ngày trong năm 2024.