Trên thị trường thế giới, giá dầu thô vẫn chưa dứt đà giảm.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h50' hôm nay (ngày 21/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 73,07 USD/thùng, giảm 0,72 USD, tương đương 0,98% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 67,1 USD/thùng, giảm 0,54 USD, tương đương 0,8% so với phiên liền trước.
Giá xăng dầu hôm qua (20/3) trên thị trường thế giới ghi nhận mức hồi phục nhẹ vào buổi sáng nhưng đến tối lại quay đầu giảm.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h58' hôm qua (20/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 73,22 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,34% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 66,93 USD/thùng, tăng 0,19 USD, tương đương 0,28% so với phiên liền trước.
Giá dầu đi lên do tâm lý lo ngại suy thoái, khủng hoảng của nhà đầu tư hạ nhiệt khi những bất ổn tại một số ngân hàng lớn trên thế giới được trấn an nhờ những cam kết mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, nhiều nhận định về việc các ngân hàng trung ương sẽ sớm chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất nhằm tránh tạo thêm áp lực cho nền kinh tế cũng là yếu tố thúc đẩy giá dầu đi lên.
Tuy nhiên, đến tối 20/3, giá dầu lại quay đầu đi xuống. Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 20h48' ngày 20/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 72,75 USD/thùng, giảm 0,22 USD, tương đương 0,3% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 66,39 USD/thùng, giảm 0,35 USD, tương đương 0,52% so với phiên liền trước.
Giá dầu lao dốc do lo ngại rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng toàn cầu có thể gây ra suy thoái kinh tế khiến nhu cầu nhiên liệu giảm.
Thêm vào đó, giá dầu giảm còn do các nhà đầu tư e ngại trước khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong tuần này. Các nhà kinh tế được hãng tin Reuters thăm dò ý kiến cho hay, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản sau cuộc họp chính sách diễn ra trong 2 ngày 20-21/3 bất chấp những bất ổn gần đây của ngành ngân hàng.
Tuần trước, giá dầu thô giảm mạnh khi những lo ngại về những bất ổn trên thị trường tài chính, ngân hàng gia tăng, tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Các nhà đầu tư tăng cường nắm giữ các tài sản mang tính an toàn cao như vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ. Trong khi đó, dòng tiền tháo chạy khỏi thị trường rủi ro như chứng khoán hay dầu thô.
Tính chung trong tuần qua, giá dầu Brent đã giảm gần 12%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 12/2022, giá dầu WTI cũng giảm 13% và là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4/2022.
Trước những lo ngại về suy thoái kinh tế, mới đây, Goman Sachs đã cắt giảm dự báo đối với giá dầu Brent tiêu chuẩn trong năm nay từ mức 100 USD/thùng theo dự báo lần trước xuống mức trung bình 94 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu từ 15h hôm nay (21/3) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho hay, trong kỳ điều hành hôm nay (21/3), giá bán lẻ xăng trong nước có thể giảm mạnh theo giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, mức giảm cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào việc điều hành Quỹ bình ổn giá.
Theo dự báo, giá xăng bán lẻ trong nước vào chiều nay (21/3) có thể được điều chỉnh giảm từ 570-590 đồng/lít. Giá dầu hỏa và dầu diesel có khả năng giảm từ 1.020-1.040 đồng/lít.
Như vậy, nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước vào hôm nay sẽ quay đầu giảm. Từ đầu năm đến nay, giá xăng có 4 lần tăng, 2 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.