Giá xăng dầu trong nước hôm nay 22/4/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 22/4 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 17/4.
Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh theo hướng tăng giá xăng, giảm giá dầu (trừ dầu mazut).
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên 24.220 đồng/lít. Giá xăng RON 95 được nâng lên mức 25.230 đồng/lít.
Ở chiều ngược lại, giá dầu diesel hạ xuống 21.440 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm về mức 21.410 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 17/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 25.230 | + 410 |
Xăng E5 RON 92-II | 24.220 | + 380 |
Dầu diesel | 21.440 | - 170 |
Dầu hỏa | 21.410 | - 180 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 22/4/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 22/4 tiếp đà giảm từ tuần trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h21' ngày 22/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 86,62 USD/thùng, giảm 0,67 USD, tương đương 0,77% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 82,75 USD/thùng, giảm 0,39 USD, tương đương 0,47% so với phiên liền trước.
Giá xăng dầu thế giới tuần qua đã không thể thực hiện cú lội ngược dòng, khi ghi nhận thêm một tuần giảm.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần qua, giá dầu giảm khoảng 0,4%. Giá dầu giảm nhẹ do thiệt hại từ cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào Israel hồi cuối tuần trước đó thấp hơn dự đoán. Cùng với đó, việc Israel chặn được cuộc tấn công này đã làm giảm bớt sự lo ngại về một cuộc xung đột gia tăng nhanh chóng ở Trung Đông.
Giá dầu tiếp tục giảm nhẹ ở phiên giao dịch thứ hai của tuần qua. Giá dầu trong phiên này chịu tác động bởi những yếu tố kinh tế tiêu cực gây áp lực lên tâm lý của giới đầu tư. Điều này lấn át lo ngại về nguồn cung từ căng thẳng gia tăng tại Trung Đông.
Đà trượt dốc của giá dầu tiếp diễn ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần qua. Ở phiên này, giá dầu giảm tới hơn 3%. Tồn kho thương mại của Mỹ tăng, dữ liệu kinh tế yếu hơn từ Trung Quốc và nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy gói viện trợ cho Ukraine và Israel đã đẩy giá dầu lao dốc ở phiên này.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã chững lại ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần qua. Trong phiên này, giá dầu ở thế trái chiều với dầu Brent giảm nhẹ còn dầu WTI tăng nhẹ. Sự trái chiều là do các nhà đầu tư cân nhắc dữ liệu kinh tế của Mỹ cùng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran.
Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần qua, giá dầu tăng nhẹ do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung ở khu vực Trung Đông sau khi xuất hiện một số thông tin cho rằng Israel đã trả đũa Iran hôm 19/4.
Như vậy, với 3 phiên giảm, 1 phiên trái chiều và 1 phiên tăng nhẹ, giá dầu tuần qua ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Tính chung cả tuần qua, cả dầu Brent và dầu WTI đều ghi nhận mức giảm giá khoảng 3%. Đây là mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 2 tới nay.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được chốt ở mức 87,29 USD/thùng, giá dầu WTI kết tuần ở mức 83,14 USD/thùng.