Giá xăng dầu trong nước hôm nay 22/9
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/9 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 720 đồng/lít, giá bán là 24.190 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 870 đồng/lít, lên 25.740 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel tăng 540 đồng/lít, giá bán là 23.590 đồng/lít. Giá dầu hoả tăng 630 đồng/lít, lên mức 23.810 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng 140 đồng/lít, giá bán là 17.840 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/9 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 25.740 | + 870 |
Xăng E5 RON 92-II | 24.190 | + 720 |
Dầu diesel | 23.590 | + 540 |
Dầu hỏa | 23.810 | + 630 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 22/9
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 22/9 có xu hướng phục hồi.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h37' ngày 22/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 93,71 USD/thùng, tăng 0,41 USD, tương đương 0,46% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI lên mức 90,12 USD/thùng, tăng 0,49 USD, tương đương 0,55% so với phiên liền trước.
Hôm 21/9, giá xăng dầu thế giới giảm mạnh vào đầu phiên sau đó lại tăng lên.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h17' ngày 21/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 92,97 USD/thùng, giảm 0,56 USD, tương đương 0,6% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI về mức 90,28 USD/thùng, giảm 0,92 USD, tương đương 1,01% so với phiên liền trước.
Đến 21h11' ngày 21/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 94,41 USD/thùng, tăng 0,88 USD, tương đương 0,94% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 90,82 USD/thùng, tăng 1,16 USD, tương đương 1,29% so với phiên liền trước.
Giá dầu giảm sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25- 5,5 % đúng như dự đoán của các nhà phân tích. Nhưng Fed vẫn củng cố lập trường "diều hâu" của mình với việc tăng lãi suất hơn nữa dự kiến vào cuối năm.
Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và khiến nhu cầu dầu mỏ giảm sút.
Lập trường "diều hâu" của Fed cũng khiến đồng USD tăng vọt, lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2023.
Đồng USD tăng gây áp lực giảm giá dầu. Đồng USD mạnh thường làm cho các mặt hàng như dầu mỏ trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn nhận được sự hỗ trợ từ việc thắt chặt nguồn cung của những nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới.
Vào đầu tháng này, Saudi Arabia và Nga đã gia hạn kế hoạch cắt giảm nguồn cung tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày đến hết năm nay.
Quyết định của 2 nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới đã khiến giá dầu tăng liên tiếp trong 3 tuần qua.
Giới phân tích nhận dịnh, sự thiếu hụt nguồn cung sẽ đẩy giá dầu chinh phục mốc 100 USD/thùng, thậm chí vượt mốc này vào cuối năm nay.