Giá xăng dầu trong nước hôm nay 23/10/2023
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu vào chiều nay (23/10) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, ở kỳ điều hành hôm nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể tăng theo giá xăng dầu thế giới.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể tăng từ 250-600 đồng/lít tùy loại. Còn giá dầu có khả năng tăng từ 50-120 đồng/lít.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 11/10), giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 1.600 đồng/lít, giá bán xuống mức 21.900 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 1.800 đồng/lít, giá bán còn 23.040 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 1.180 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.410 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.350 đồng/lít, về mức 22.460 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 23/10/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 23/10 giảm nhẹ sau khi tăng vào tuần trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h29' ngày 23/10 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 91,34 USD/thùng, giảm 0,82 USD, tương đương 0,89% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 87,18 USD/thùng, giảm 0,9 USD, tương đương 1,02% so với phiên liền trước.
Tuần qua, giá xăng dầu thế giới tăng nhẹ. Vào tuần trước đó, giá dầu thế giới tăng mạnh. Như vậy, giá xăng dầu thế giới trải qua hai tuần tăng liên tiếp.
Theo Oilprice, giá xăng dầu tuần qua đi lên do chịu tác động mạnh bởi xung đột Israel - Hamas cộng với dự trữ xăng dầu ở Mỹ bất ngờ giảm sau nhiều tuần tăng cao.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần qua, giá dầu tăng 3 phiên, giảm 2 phiên.
Ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu giảm hơn 1% khi các nhà đầu tư kỳ vọng Mỹ và Venezuela có thể sẽ sớm đạt được thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Venezuela.
Bên cạnh đó, nhiều thương nhân cho rằng xung đột Israel - Hamas dường như không đe dọa đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn.
Đến phiên giao dịch thứ 2 của tuần, giá dầu tăng nhẹ. Sự ít biến động của giá dầu ở phiên này do các nhà đầu tư chờ đợi kết quả các nỗ lực ngoại giao của Mỹ và chuyến đi của Tổng thống Joe Biden tới Israel.
Trong phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu thế giới tăng khá mạnh (khoảng 2%), lên mức cao nhất trong 2 tuần. Giá dầu đi lên bởi sự gia tăng lo ngại về nguồn cung dầu toàn cầu có khả năng bị thắt chặt hơn sau khi Iran kêu gọi cấm vận dầu mỏ đối với Israel do xung đột ở Gaza. Thêm vào đó, giá dầu tăng còn do dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh.
Tới phiên giao dịch thứ 4 của tuần, giá dầu thế giới tiếp tục tăng thêm hơn 1%. Sự lo lắng của giới đầu tư rằng chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza có thể leo thang thành xung đột khu vực đã đẩy giá dầu đi lên.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã bị chặn lại ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần sau khi Hamas cho biết đã thả hai con tin người Mỹ khỏi Gaza. Điều này làm dấy lên hi vọng cuộc xung đột Israel - Hamas có thể giảm leo thang và các hoạt động khai thác dầu ở khu vực Trung Đông không bị gián đoạn. Ở phiên này, giá dầu Brent giảm 0,24%, giá dầu WTI giảm 0,69%.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 92,16 USD/thùng. Còn giá dầu WTI kết tuần qua ở mức 88,76 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, cả 2 giá dầu chuẩn đều tăng khoảng 1%. Vào tuần trước đó, giá dầu Brent tăng 7,5%, còn giá dầu WTI tăng 5,9%.
Theo giới phân tích, trong bối cảnh thị trường vẫn thiếu nguồn cung, nhiều khả năng giá dầu vẫn có khả năng đi lên trong những ngày tới.