Giá xăng dầu trong nước hôm nay 25/4/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (25/4) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho hay giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều nay được dự báo giảm theo giá thế giới trong tuần qua.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 270-300 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng giảm 750 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn, thậm chí không giảm.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 17/4), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu được điều hành theo hướng tăng giá xăng, giảm giá dầu (trừ dầu mazut).
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 380 đồng/lít, giá bán là 24.220 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá bán lên mức 25.230 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 170 đồng/lít, giá xuống mức 21.440 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm 180 đồng/lít, giá bán về mức 21.410 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 25/4/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 25/4 suy yếu theo đà giảm của phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h17' ngày 25/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 87,9 USD/thùng, giảm 0,12 USD, tương đương 0,14% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 82,67 USD/thùng, giảm 0,14 USD, tương đương 0,17% so với phiên liền trước.
Ngày 24/4, giá xăng dầu giảm nhẹ do lo ngại về xung đột ở Trung Đông bớt căng thẳng và hoạt động kinh doanh ở Mỹ chậm lại.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 21h14' ngày 24/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 88,17 USD/thùng, giảm 0,25 USD, tương đương 0,28% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 82,98 USD/thùng, giảm 0,38 USD, tương đương 0,46% so với phiên liền trước.
Số liệu của Viện Dầu khí Mỹ cho hay, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 3,237 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/4. Dữ liệu này trái ngược với dự đoán tăng 800.000 thùng trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi chặt chẽ những căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Nhiều người lo ngại sự leo thang căng thẳng gần đây giữa Israel và Iran sẽ hạn chế nguồn cung dầu trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, những lo ngại về kinh tế trở thành yếu tố cản trở đà tăng của giá dầu.
Quan điểm "diều hâu" của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang gây sức ép lên giá dầu. Những bình luận từ các quan chức Fed và một loạt dữ liệu lạm phát nóng hơn dự kiến khiến hi vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 giảm dần.