Giá xăng dầu trong nước hôm nay 26/1/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 26/1 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 25/1 của liên bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng. Đáng lưu ý, giá xăng RON 95 tăng vượt mốc 23.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 760 đồng/lít, giá bán là 22.170 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 920 đồng/lít, giá bán tăng lên 23.400 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 180 đồng/lít, giá bán lẻ là 20.370 đồng/lít. Còn giá dầu hoả tăng 10 đồng/lít, giá bán là 20.540 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 25/1 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.400 | + 920 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.170 | + 760 |
Dầu diesel | 20.370 | + 180 |
Dầu hỏa | 20.540 | + 10 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 26/1/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 26/1 hạ nhiệt sau khi tăng cao vào phiên trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h39' ngày 26/1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,16 USD/thùng, giảm 0,27 USD, tương đương 0,33% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 76,97 USD/thùng, giảm 0,39 USD, tương đương 0,5% so với phiên liền trước.
Ngày 25/1, giá xăng dầu thế giới tăng khoảng 3%, lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2023. Giá dầu tăng mạnh sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ cho thấy mức tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý vừa qua và căng thẳng ở Biển Đỏ tiếp tục làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Kết phiên 25/1, giá dầu Brent tăng lên mức 82,43 USD/thùng, còn giá dầu WTI lên mức 77,36 USD/thùng.
Giá dầu tăng cao do nhận được hàng loạt yếu tố hỗ trợ như: tồn kho dầu của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến, sản lượng dầu thô của Mỹ sụt giảm, biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và đồng USD yếu.
Giá dầu đi lên sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến vào tuần trước.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay, dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 9,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/1, gấp hơn 4 lần mức giảm 2,2 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo trong cuộc thăm dò trước đó của hãng tin Reuters.
Trong khi đó, sản lượng dầu của Mỹ cũng ghi nhận mức giảm mạnh, tới 1 triệu thùng/ngày, xuống 12,3 triệu thùng/ngày, vào tuần trước, sau khi các giếng dầu đóng băng do băng tuyết từ Bắc Cực tràn xuống.
Các quan chức tại North Dakota (bang sản xuất dầu lớn thứ ba nước Mỹ) cho biết có thể mất một tháng để sản lượng tại bang này phục hồi, sau khi thời tiết khắc nghiệt vào tuần trước đã làm giảm hơn một nửa sản lượng.
Bên cạnh đó, kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc (nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới) cũng là động lực thúc đẩy giá dầu tăng.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dự định cắt giảm sâu tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng phải nắm giữ từ ngày 5/2. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ về sự hỗ trợ cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, vốn đang trong trạng thái trì trệ.
Thêm vào đó, căng thẳng ở Trung Đông cũng là nguyên nhân khiến giá dầu tăng.
Liên minh gồm 24 quốc gia do Mỹ và Anh dẫn đầu đã tiến hành những hành động quân sự mới đối với lực lượng Houthi ở Yemen, sau khi lực lượng này tấn công các tàu đi qua Biển Đỏ và gây ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu.
Ngoài ra, hỗ trợ giá dầu leo dốc là sự giảm xuống mức thấp nhất trong một tuần của đồng USD.
Đồng bạc xanh yếu hơn khiến dầu mỏ được định giá bằng đồng USD rẻ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, thúc đẩy nhu cầu.