Giá xăng dầu trong nước hôm nay 26/2/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 26/2 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 22/2 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm xuống mức 22.470 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm còn 23.590 đồng/lít.
Giá dầu diesel hạ về 20.910 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm về mức 20.920 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 22/2 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.590 | - 320 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.470 | - 360 |
Dầu diesel | 20.910 | - 450 |
Dầu hỏa | 20.920 | - 300 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 26/2/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 26/2 nối dài đà giảm của tuần trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h05' ngày 26/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 81,27 USD/thùng, giảm 0,35 USD, tương đương 0,43% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 76,14 USD/thùng, giảm 0,35 USD, tương đương 0,46% so với phiên liền trước.
Tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm khá mạnh. Giá dầu chịu tác động bởi diễn biến ở Trung Đông và lo ngại nhu cầu yếu.
Giá dầu thế giới trồi sụt thất thường trong các phiên giao dịch của tuần qua.
Cụ thể, giá dầu bắt đầu tuần qua với phiên tăng nhẹ. Sự đi lên của giá dầu trong phiên này được thúc đẩy bởi lo ngại về nguồn cung kéo dài do căng thẳng ở Trung Đông.
Tuy nhiên, đến phiên giao dịch thứ 2, giá dầu quay đầu giảm hơn 1,3% do dự báo nhu cầu dầu trên thế giới giảm từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế. Đồng thời, sự tăng giá sản xuất của Mỹ trong tháng 1 lớn hơn dự kiến làm gia tăng lo ngại về lạm phát và nâng giá đồng USD cũng tác động tiêu cực đến giá dầu.
Tới phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu đảo chiều tăng nhẹ. Giá dầu bật tăng do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông leo thang và các thương nhân lo ngại nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn.
Đà leo dốc của giá dầu được duy trì ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Trong phiên này, giá dầu tăng gần 1%.
Căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục hỗ trợ giá dầu. Tuy nhiên, hạn chế mức tăng của giá dầu trong phiên này là tồn kho dầu của Mỹ tăng.
Ở phiên giao dịch thứ 5 của tuần, giá dầu giảm tới gần 3% do áp lực bán gia tăng trên thị trường sau loạt bài phát biểu "diều hâu" từ phía các quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cho biết việc hạ lãi suất có thể bị trì hoãn ít nhất 2 tháng nữa. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và có thể hạn chế nhu cầu dầu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này.
Dù tăng tới 3 phiên nhưng 2 phiên giảm sâu đã khiến giá dầu tuần qua giảm khá mạnh. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent giảm khoảng 2%, còn giá dầu WTI giảm hơn 3%.
Như vậy, giá dầu tuần qua đã cắt đứt mạch tăng của 2 tuần tăng liên tiếp trước đó. Tuần trước đó, giá dầu Brent tăng hơn 1% còn dầu WTI tăng khoảng 3%.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được chốt ở mức 81,62 USD/thùng trong khi giá dầu WTI kết tuần ở mức 76,49 USD/thùng.
Tuy giảm khá mạnh trong tuần trước nhưng sang tuần này, nhiều nhà phân tích nhận định, giá dầu có thể tăng trở lại nhờ những dấu hiệu về mối lo ngại nguồn cung gia tăng và nhu cầu nhiên liệu có khả năng đi lên.