Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (27/3) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 21/3 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 780 đồng/lít, giá xuống mức 22.020 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 780 đồng/lít, giá bán là 23.030 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 1.200 đồng/lít, giá bán không cao hơn 19.300 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 1.250 đồng/lít, giá bán là 19.640 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/3 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.030 | -780 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.020 | -780 |
Dầu diesel | 19.300 | -1.200 |
Dầu hỏa | 19.640 | -1.250 |
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h28' hôm nay (27/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 74,94 USD/thùng, giảm 0,05 USD, tương đương 0,07% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 69,22 USD/thùng, giảm 0,04 USD, tương đương 0,06% so với phiên liền trước.
Tuần qua, thị trường xăng dầu thế giới ghi nhận xu hướng phục hồi. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng liên tiếp 3 phiên và giảm 2 phiên.
Ở phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu đã quay đầu tăng hơn 1% sau khi giảm khoảng 3 USD xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá dầu đi lên do tâm lý lo ngại suy thoái, khủng hoảng của nhà đầu tư hạ nhiệt, hỗ trợ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tăng. Nhiều người kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất ở mức vừa phải, 0,25 điểm phần trăm, và sớm tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đến phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu tăng tiếp hơn 2%. Giá dầu ở phiên giao dịch này được hỗ trợ bởi tâm lý lo ngại suy thoái, khủng hoảng của nhà đầu tư hạ nhiệt khi những bất ổn tại một số ngân hàng lớn trên thế giới được trấn an nhờ những cam kết mạnh mẽ từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Nhiều nhận định về việc các ngân hàng trung ương sẽ sớm chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất nhằm tránh tạo thêm áp lực cho nền kinh tế cũng là yếu tố thúc đẩy giá dầu đi lên.
Tới phiên giao dịch thứ ba của tuần, giá dầu tiếp tục đi lên. Sự lao dốc của đồng USD xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần cùng với việc Fed tăng lãi suất đúng như dự kiến là những yếu tố thúc đẩy giá dầu tăng lên.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch thứ tư, giá dầu thế giới đã đảo chiều đi xuống do lo ngại về một cuộc suy thoái, khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ trong khi dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh hơn dự kiến.
Tới phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu vẫn tiếp tục giảm do nguồn cung có xu hướng dồi dào hơn. Dầu bị bán tháo do lo ngại Mỹ sẽ không làm đầy kho dự trữ xăng dầu chiến lược (SPR) của nước này kể cả khi giá dầu WTI ở mức 67-72 USD/thùng. Vào tháng 10 năm ngoái, Nhà Trắng cho biết sẽ mua lại dầu cho kho SPR khi giá trong khoảng 67-72 USD/thùng. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cũng cho biết, phải mất tới vài năm mới có thể đổ đầy lại kho SPR của nước này.
Dẫu vậy, đà giảm của giá dầu cũng bị kiềm chế phần nào bởi kỳ vọng Fed sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và triển vọng nhu cầu sử dụng dầu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Theo Ngân hàng Goldman Sachs, nhu cầu dầu của Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh, vượt mức 16 triệu thùng/ngày.
Dù giảm liên tiếp trong hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần nhưng mức giảm khá nhẹ, chỉ khoảng 1% mỗi phiên. Mức giảm này không đủ để kéo giá dầu cả tuần đi xuống vì giá dầu đã tăng khá mạnh ở 3 phiên giao dịch trước đó. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 2,8% còn giá dầu WTI tăng 3,8%.
Theo dữ liệu từ Oilprice, kết thúc tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 74,99 USD/thùng, giá dầu WTI chốt tuần ở mức 69,26 USD/thùng.