Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh giữ nguyên, còn giá dầu tăng nhẹ.
Theo đó, giá xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 ở mức 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng lên mức 18.170 đồng/lít. Giá dầu hỏa ở mức 17.956 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/6 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.010 | 0 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.870 | 0 |
Dầu diesel | 18.170 | +150 |
Dầu hỏa | 17.956 | +130 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (27/6) tiếp đà đi lên từ phiên đầu tuần.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h53' ngày 27/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 74,55 USD/thùng, tăng 0,37 USD, tương đương 0,5% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 69,77 USD/thùng, tăng 0,4 USD, tương đương 0,58% so với phiên liền trước.
Ngay ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (26/6), sắc xanh đã ngập tràn thị trường dầu.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h06' ngày 26/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 74,1 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,34% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 69,4 USD/thùng, tăng 0,24 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước.
Đến 20h02' ngày 26/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 74,05 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở mức 69,17 USD/thùng.
Theo các nhà phân tích, giá dầu ở phiên giao dịch đầu tuần tăng nhẹ do tâm lý lo ngại về tình hình chính trị ở Nga sẽ tác động đến nguồn cung dầu mỏ. Bởi Nga là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới.
Cuộc nổi dậy của lính đánh thuê Nga vào cuối tuần qua làm dấy lên lo ngại về bất ổn chính trị ở Nga. Mặc dù cuộc đụng độ giữa Moscow và nhóm lính đánh thuê Wagner đã được ngăn chặn nhưng vụ việc này đặt ra những lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung dầu của Nga.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định, tình hình chính trị ở Nga có thể tác động hạn chế đến thị trường dầu mỏ.
Trong một diễn biến khác, ngày 23/6, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga. Mục tiêu chính của EU được cho là nhằm ngăn Nga lách các hạn chế đã được áp đặt.
Để đáp trả gói trừng phạt thứ 11 của EU, ngay trong ngày 23/6, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố mở rộng danh sách các đại diện và cấu trúc của các quốc gia thành viên EU bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, đà phục hồi của giá dầu bị cản lại phần nào do lo ngại về triển vọng tăng trưởng yếu hơn của Trung Quốc sau đại dịch chậm lại và lãi suất trên toàn cầu vẫn có xu hướng tăng cao.
Tuần qua, cả hai loại dầu chuẩn là dầu Brent và WTI đều giảm hơn 3,5%, đảo ngược nỗ lực leo dốc của tuần trước đó.