Dữ liệu từ Oilprice cho biết, vào lúc 8h50' ngày 28/9 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 11 được giao dịch ở mức 85,56 USD/thùng, giảm 0,71 USD, tương đương 0,82% so với hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu WTI giao tháng 10 được giao dịch ở mức 77,96 USD/thùng, giảm 0,54 USD, tương đương 0,69% so với hôm qua.
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 27/9, giá dầu WTI tăng 2,33% lên 78,5 USD/thùng, còn giá dầu Brent tăng 2,43% lên 84,87 USD/thùng.
Giá dầu tăng trở lại trong phiên giao dịch hôm qua (27/9), khi nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn trở nên rõ ràng hơn.
Sự điều chỉnh của chỉ số US Dollar Index (DXY) trong đầu phiên 27/9 đã khuyến khích dòng tiền quay trở lại các tài sản rủi ro và hỗ trợ cho lực mua bắt đáy trên hầu hết các thị trường. Sức ép từ đồng bạc xanh là nguyên nhân chính gây sức ép lên các hàng hóa định giá bằng USD từ tuần trước. Vì thế, việc USD điều chỉnh giảm nhẹ từ đỉnh đã hỗ trợ sức mua.
Bên cạnh đó, việc giá dầu xuống dưới ngưỡng 80 USD/thùng tạo ra cơ hội mua vào tốt, đặc biệt khi rủi ro nguồn cung sụt giảm đột ngột trên thị trường vẫn còn.
Công ty giao dịch hàng hóa Trafigura cảnh báo thị trường có thể chứng kiến các đợt tăng giá đột ngột, do thiếu hụt các khoản đầu tư để đảm bảo nguồn cung và tạo công suất dự phòng. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vẫn giữ kỳ vọng giá dầu sẽ tăng trong 3 tháng cuối năm lên mức trung bình 100 USD/thùng.
Hơn nữa, việc hạn chế nguồn cung ở Vịnh Mexico của Mỹ trước cơn bão Ian cũng hỗ trợ giá dầu. Theo Trung tâm Bão quốc gia Mỹ, hiện cơn bão Ian đã mạnh lên thành bão cấp 4 và đang tiến đến vùng Vịnh Mexico. Các công ty đã sơ tán nhân công và tạm ngừng 11% công suất sản xuất dầu tại vùng Vịnh, khi bão đổ bộ tại Florida. Sản lượng khí tự nhiên cũng giảm 184 triệu feet khối, tương đương 9% công suất khu vực. Đây là cơn bão đầu tiên trong năm nay gây gián đoạn sản lượng dầu khí, đặc biệt là khu vực Vịnh Mexico có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dầu khí tại Mỹ. Vịnh Mexico chiếm 15% sản lượng dầu thô và 5% sản lượng khí tự nhiên của quốc gia.
Ngoài ra, giá dầu cũng được trợ giúp trong phiên tối 27/9 khi có thông tin Nga có thể đề nghị OPEC+ cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong cuộc họp vào ngày 5/10 tới. Xuất khẩu dầu của Nga sang cả các thị trường chính như châu Âu và cả các khách hàng tại châu Á đã giảm mạnh trong tháng 9 và giá dầu giảm trong giai đoạn gần đây có thể đang gây sức ép lên nguồn thu của nước này.
Phí vận chuyển đắt đỏ khiến dầu Nga trở nên kém hấp dẫn đối với một số nước như Ấn Độ, trong khi các công ty châu Âu đang ráo riết lên phương án chuẩn bị nguồn cung thay thế trước khi lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga có hiệu lực từ ngày 5/12.
Giới phân tích cho rằng, đây là biện pháp duy nhất có thể đảo chiều đà giảm của giá dầu. Mức giảm 1 triệu thùng/ngày, theo ngân hàng UBS, có thể hỗ trợ giá dầu duy trì quanh mức 90 USD/thùng.
Rạng sáng nay (28/9), báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy, tồn kho dầu tại Mỹ tăng mạnh 4,2 triệu thùng trong tuần kết thúc 23/9, có thể tạo sức ép điều chỉnh cho giá dầu.
Tại thị trường trong nước ngày 28/9, giá bán các loại xăng dầu được áp dụng theo mức giá điều chỉnh từ 15h ngày 21/9.
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/9, giá các mặt hàng xăng dầu đều được điều chỉnh giảm. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 630 đồng/lít, giá bán là 22.580 đồng/lít; xăng E5 giảm 450 đồng/lít, giá bán là 21.780 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel cũng giảm mạnh, tới 1.650 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.530 đồng/lít.
Cũng trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/9, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON92 là 451 đồng/lít, xăng RON95 là 450 đồng/lít, dầu diesel là 300 đồng/lít, dầu hỏa là 300 đồng/lít và dầu mazut là 741 đồng/kg.