Giá xăng dầu trong nước hôm nay 30/11/2023
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các loại xăng dầu vào chiều nay (30/11) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh hôm nay có thể tăng, giảm trái chiều.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng E5 RON 92 trong nước có thể tăng 60-110 đồng/lít, giá xăng RON 95 có khả năng giảm 30-50 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có thể giảm 90-140 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính tác động đến Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 23/11), giá bán lẻ các loại xăng dầu được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 580 đồng/lít, giá bán là 21.690 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 510 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.020 đồng/lít.
Còn giá dầu diesel giảm 600 đồng/lít, giá bán về mức 20.280 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 570 đồng/lít, xuống mức 20.940 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 30/11/2023
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 30/11 giảm nhẹ sau khi tăng vào 2 phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h02' ngày 30/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,81 USD/thùng, giảm 0,29 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 77,55 USD/thùng, giảm 0,31 USD, tương đương 0,4% so với phiên liền trước.
Hôm 29/11, giá xăng dầu quốc tế tăng nhẹ. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 19h58' ngày 29/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,93 USD/thùng, tăng 1,25 USD, tương đương 1,53% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 77,75 USD/thùng, tăng 1,34 USD, tương đương 1,75% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu tăng trước khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ tiếp tục thỏa thuận cắt giảm hiện nay hoặc cắt giảm nguồn cung sâu hơn, cùng với việc sản lượng dầu của Kazakhstan giảm do bão và đồng USD yếu.
OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng trực tuyến vào hôm nay (30/11) để thảo luận về các mục tiêu sản xuất năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng có thể OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận trước đó thay vì cắt giảm sản lượng sâu hơn.
Bên cạnh đó, giá dầu đi lên còn do lo ngại nguồn cung gián đoạn tại khu vực Biển Đen bị ảnh hưởng bởi bão lớn.
Một cơn bão mạnh trên Biển Đen đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu 2 triệu thùng dầu/ngày của Kazakhstan và Nga.
Các mỏ dầu lớn nhất của Kazhastan đang cắt giảm 56% tổng sản lượng dầu hàng ngày kể từ ngày 29/11, dự kiến duy trì đến hết ngày 3/12, do ảnh hưởng của bão. Việc này gây lo ngại về sự thắt chặt nguồn cung trong ngắn hạn.
Thêm vào đó, việc đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ cho giá dầu. Giá USD lao dốc khiến dầu rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua sau khi Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller nhấn mạnh khả năng Fed sẽ hạ lãi suất chính sách trong những tháng tới nếu lạm phát tiếp tục giảm.