Giá xăng dầu trong nước hôm nay 30/4/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 30/4 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 25/4.
Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu mazut) được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh theo hướng giảm. Trong đó, giá xăng RON 95 giảm xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm còn 23.910 đồng/lít. Giá xăng RON 95 hạ xuống 24.910 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm về 20.710 đồng/lít. Còn giá dầu hoả hạ xuống mức 20.710 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 25/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.910 | - 320 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.910 | - 310 |
Dầu diesel | 20.710 | - 730 |
Dầu hỏa | 20.680 | - 730 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 30/4/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 30/4 tiếp đà đi xuống từ phiên đầu tuần (29/4).
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h37' ngày 30/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 88,33 USD/thùng, giảm 0,07 USD, tương đương 0,08% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 82,55 USD/thùng, giảm 0,08 USD, tương đương 0,1% so với phiên liền trước.
Ngày 29/4, giá dầu thế giới giảm nhẹ sau khi tăng vào tuần trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 21h17' ngày 29/4 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 88,79 USD/thùng, giảm 0,71 USD, tương đương 0,79% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 83,26 USD/thùng, giảm 0,59 USD, tương đương 0,7% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu giảm khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Hamas ở Cairo, Ai Cập làm giảm bớt căng thẳng ở Trung Đông.
Một quan chức Hamas thông tin, phái đoàn Hamas dự định đến thăm Cairo vào ngày 29/4 để đàm phán hòa bình.
Nhà phân tích thị trường Tony Sycamore của Ngân hàng IG ở Singapore cho biết, những nỗ lực tăng cường hòa giải, tiến tới lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã làm dịu căng thẳng địa chính trị và khiến giá dầu hạ nhiệt.
Trong khi đó, giới đầu tư đang theo dõi đợt đánh giá chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp hai ngày sẽ kết thúc vào ngày 1/5.
Dữ liệu lạm phát của Mỹ ngày càng làm mờ đi triển vọng Fed sớm cắt giảm lãi suất.
Số liệu vừa công bố cho thấy lạm phát của Mỹ trong 12 tháng (tính đến tháng 3/2024) tăng 2,7%, cao hơn mục tiêu 2% của Fed.
Lạm phát cao làm dấy lên mối lo ngại về lãi suất cao hơn sẽ được duy trì trong thời gian dài, dẫn đến đồng USD mạnh hơn và gây áp lực lên giá hàng hóa, trong đó có giá dầu. Bởi đồng USD mạnh khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác, khiến nhu cầu giảm.
Ngoài ra, nhu cầu dầu mỏ cũng bị sức ép do lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chậm lại trong tháng 3/2024.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng giá dầu có thể tăng trở lại nếu số liệu dự trữ dầu mỏ của Mỹ và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc được cải thiện trong tuần này.