Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh giữ nguyên, còn giá dầu tăng nhẹ.
Cụ thể, giá xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 ở mức 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng lên mức 18.170 đồng/lít. Giá dầu hỏa ở mức 17.956 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/6 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.010 | 0 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.870 | 0 |
Dầu diesel | 18.170 | +150 |
Dầu hỏa | 17.956 | +130 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (30/6) đảo chiều đi lên sau khi giảm vào phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h43' ngày 30/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 74,65 USD/thùng, tăng 0,31 USD, tương đương 0,42% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,04 USD/thùng, tăng 0,18 USD, tương đương 0,26% so với phiên liền trước.
Hôm 29/6, giá dầu thế giới giảm nhẹ sau khi tăng khá mạnh vào phiên trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h40' ngày 29/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 73,92 USD/thùng, giảm 0,11 USD, tương đương 0,15% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 69,44 USD/thùng, giảm 0,12 USD, tương đương 0,17% so với phiên liền trước.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6, cả hai loại dầu chuẩn đều tăng khoảng 3% sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ thông báo lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/6, vượt xa mức giảm 1,8 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc thăm dò của Reuters.
Như vậy, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm tuần thứ hai liên tiếp. Điều này cho thấy nhu cầu dầu của nước này vẫn tăng mạnh.
Tuy nhiên, sang ngày 29/6, giá dầu đã đảo chiều giảm nhẹ.
Giới phân tích nhận định, giá dầu quay đầu giảm khi các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lo ngại về khả năng tăng lãi suất ở Mỹ và châu Âu sẽ làm giảm nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới khẳng định cần thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa để kiềm chế lạm phát.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hé lộ khả năng tăng lãi suất thêm 2 lần nữa từ nay đến cuối năm. Còn Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde mới đây xác nhận có thể tăng lãi suất vào tháng 7.
Cùng với đó, thông tin lợi nhuận của các công ty công nghiệp ở Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới - đã giảm hai con số trong 5 tháng đầu năm 2023 cũng gây áp lực lên giá dầu.
Theo giới chuyên gia, nhu cầu nhiên liệu yếu đi đã hạn chế đà tăng giá của “vàng đen”, ngay cả khi các nhà sản xuất dầu hạn chế nguồn cung.