Giá xăng dầu trong nước hôm nay 4/3/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 4/3 được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 29/2 của liên bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá bán lẻ xăng được điều chỉnh tăng, còn giá dầu giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên mức 22.750 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng lên 23.920 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm về mức 20.770 đồng/lít. Còn giá dầu hoả hạ xuống 20.780 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 29/2 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.920 | + 330 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.750 | + 280 |
Dầu diesel | 20.770 | - 140 |
Dầu hỏa | 20.780 | - 140 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 4/3/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay đi lên theo đà tăng của tuần trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h04' ngày 4/3 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 83,73 USD/thùng, tăng 0,18 USD, tương đương 0,22% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 80,05 USD/thùng, tăng 0,08 USD, tương đương 0,1% so với phiên liền trước.
Tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần tăng ấn tượng sau khi giảm khá mạnh vào tuần trước đó.
Giá dầu bắt đầu tuần qua bằng cú lội ngược dòng khi tăng hơn 1% sau khi giảm tới gần 3% vào phiên giao dịch cuối tuần trước đó.
Sự leo dốc của giá dầu trong phiên giao dịch đầu tuần trước được hỗ trợ bởi lo ngại nguồn cung suy yếu do sự sụt giảm trong hoạt động lọc dầu của Mỹ cùng với việc vận chuyển trên Biển Đỏ vẫn bị đe dọa bởi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi.
Đà tăng của giá dầu tiếp tục ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần qua. Tại phiên này, giá dầu Brent tăng 1,4% trong khi giá dầu WTI tăng 1,7%.
Giá dầu tăng tốc sau khi xuất hiện thông tin Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang xem xét gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày sang quý II, thậm chí là kéo dài đến hết năm. Cùng với đó, nguồn cung từ các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới giảm cộng với sự gián đoạn nguồn cung qua Biển Đỏ khi Houthi tuyên bố sẽ chỉ dừng các cuộc tấn công khi Israel chấm dứt tấn công Gaza cũng hỗ trợ giá dầu.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu không thể kéo dài đến phiên giao dịch thứ 3 của tuần qua. Giá dầu trong phiên này ở thế trái chiều với dầu Brent tăng nhẹ, dầu WTI giảm nhẹ. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kiên trì với quyết định giữ nguyên việc cắt giảm lãi suất trong tương lai gần, trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ ngày càng tăng đã tác động đến giá dầu trong phiên này.
Báo cáo tồn kho từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy lượng tồn kho của Mỹ tăng mạnh tới 8,428 triệu thùng đã khiến giá dầu WTI đi xuống.
Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng đẩy giá dầu tiếp tục giảm nhẹ ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Dữ liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng 4,2 triệu thùng, vượt xa kỳ vọng tăng 2,74 triệu thùng của các nhà phân tích.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng tháng thứ năm liên tiếp. Lượng dầu thô tăng mạnh hơn dự đoán đã làm dấy lên những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ cũng như nhu cầu tại nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Tới phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đảo chiều tăng 2%. Một loạt dữ liệu kinh tế từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc cùng những diễn biến làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông đã đẩy giá dầu đi lên.
Như vậy, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên trái chiều, giá dầu tuần qua đã cắt đứt mạch giảm từ tuần trước đó. Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent tăng khoảng 3,4%, dầu WTI tăng 4,6%.
Vào tuần trước đó, giá dầu Brent giảm 2%, còn giá dầu WTI giảm hơn 3%.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được chốt ở mức 83,55 USD/thùng trong khi giá dầu WTI kết tuần ở mức 79,97 USD/thùng.