Giá xăng dầu trong nước hôm nay 4/9
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 21/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng được điều chỉnh tăng, dầu giảm nhẹ.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng lên mức 23.330 đồng/lít. Giá xăng RON95 lên 24.600 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel giảm xuống mức 22.350 đồng/lít. Giá dầu hỏa tăng lên mức 22.309 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng lên 17.981 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/8 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 24.600 | + 610 |
Xăng E5 RON 92-II | 23.330 | + 510 |
Dầu diesel | 22.350 | -70 |
Dầu hỏa | 22.309 | + 420 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 4/9
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 4/9 có xu hướng đi lên theo đà tăng từ tuần trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 8h05' ngày 4/9 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 88,78 USD/thùng, tăng 0,23 USD, tương đương 0,26% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 85,89 USD/thùng, tăng 0,34 USD, tương đương 0,4% so với phiên liền trước.
Tuần qua, giá xăng dầu thế giới đánh dấu tuần tăng mạnh sau 2 tuần giảm liên tiếp. Giá của 2 loại dầu chuẩn kết tuần qua ở mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay.
Giá xăng dầu tăng mạnh chủ yếu do dự trữ dầu của Mỹ giảm khủng và lo ngại nguồn cung sẽ thắt chặt hơn.
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng liên tiếp 4 phiên và trái chiều 1 phiên duy nhất vào đầu tuần.
Cụ thể, ở phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu Brent giảm 0,07%, còn giá dầu WTI tăng 0,03%. Trong phiên này, giá dầu chịu áp lực bởi lo ngại về đợt tăng lãi suất tiếp theo của Mỹ có thể làm giảm nhu cầu nhưng được hỗ trợ bởi khả năng gián đoạn nguồn cung do cơn bão nhiệt đới Idalia.
Sau đó, giá dầu leo dốc 4 phiên liên tiếp. Sự tăng tốc của giá dầu được hỗ trợ bởi dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm tới 10,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25/8. Mức giảm này cao gấp 3 lần so với mức giảm dự kiến 3,3 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Số liệu này cho thấy nhu cầu dầu mỏ của Mỹ tăng mạnh.
Bên cạnh đó, khả năng các số liệu kinh tế khả quan của Mỹ sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ(Fed) tăng mạnh lãi suất hơn.
Cùng với đó, nhiều thông tin cho thấy nguồn cung sẽ thắt chặt hơn. Yếu tố này thúc đẩy giá dầu tăng.
Một số nguồn tin cho biết Nga đang có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu sang tháng 10. Nhiều nhà phân tích dự đoán Saudi Arabia sẽ gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày vào tháng 10, bổ sung vào mức cắt giảm của OPEC+. Điều này làm gia tăng các mối lo của thị trường về nguồn cung thu hẹp.
Đóng cửa tuần qua, giá dầu Brent được giao dịch ở mức 88,55 USD/thùng. Đây là mức cao nhất của loại dầu này kể từ ngày 17/11/2022. Còn giá dầu WTI kết tuần qua ở mức 85,55 USD/thùng. Đây là mức chốt phiên cao nhất của loại dầu này kể từ ngày 16/11/2022 đến nay.
Tính chung trong cả tuần qua, giá dầu Brent tăng 5,5% và giá dầu WTI tăng 7,2%. Còn tính trong cả tháng 8, giá dầu WTI đã tăng 2,2% còn dầu Brent tăng 1,5%. Tháng vừa qua cũng đánh dấu chuỗi tăng tháng thứ 3 liên tiếp.
Ngân hàng quốc gia Australia kỳ vọng dầu sẽ đạt mức giá hơn 90 USD/thùng để “kéo nguồn cung của OPEC trở lại thị trường cũng như khuyến khích các nhà sản xuất đá phiến của Mỹ tăng cường hoạt động khai thác”.