Giá dầu thế giới hôm nay (5/10) giảm nhẹ sau khi tăng mạnh vào ngày hôm qua. Theo dữ liệu từ Oilprice, vào lúc 7h55' ngày 5/10 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 12 được giao dịch ở mức 91,66 USD/thùng, giảm 0,14 USD, tương đương 0,15% so với hôm qua. Cùng thời điểm, giá dầu WTI giao tháng 11 được giao dịch ở mức 86,34 USD/thùng, giảm 0,18 USD, tương đương 0,21% so với hôm qua.
Trong phiên hôm 4/10, giá dầu đã tăng rất mạnh. Theo thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 3,46% lên 86,52 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 3,31% lên 91,8 USD/thùng.
Giá dầu tăng rất mạnh trước khi cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) bắt đầu. Như vậy, giá dầu thô tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp do ảnh hưởng từ các thông tin mới xoay quanh cuộc họp của OPEC+. Chỉ sau 2 phiên tăng mạnh, giá dầu thế giới hiện đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tuần.
Đáng chú ý, giá dầu tăng rất mạnh nhưng gần như không tạo ra nhịp điều chỉnh nào trong phiên. Việc chỉ số US Dollar Index (DXY) duy trì đà giảm từ sáng đã hỗ trợ cho giá của hầu hết các mặt hàng định giá bằng đồng bạc xanh, trong đó có dầu thô.
Song yếu tố quan trọng nhất hỗ trợ tâm lý của thị trường chính là thông tin OPEC+ có thể cắt giảm mạnh sản lượng dầu của nhóm trong cuộc họp chính sách vào ngày hôm nay (5/10).
Nguồn tin của Reuters cho biết, trong tuần này, OPEC+ đang nỗ lực để thống nhất mức cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày. Ngày hôm qua (4/10), một nguồn tin OPEC cho hay, mức cắt giảm thậm chí có thể lên tới 2 triệu thùng mỗi ngày vì Saudi Arabia có thể tự nguyện giảm sản xuất để hỗ trợ giá dầu và thống nhất chính sách chung của nhóm.
Tuy nhiên, quyết định của nhóm có thể sẽ gặp phải sự phản đối của nhiều quốc gia tiêu thụ dầu lớn, trong đó có Mỹ. Nhà Trắng được cho là đang kêu gọi nhóm nước sản xuất dầu không cắt giảm sản lượng quá nhiều. Giá xăng dầu tăng cao trở lại có thể tiếp tục gây áp lực tới lạm phát của Mỹ, vốn đã duy trì ở mức đỉnh 40 năm. Theo ngân hàng Citibank, để đáp trả, Mỹ có thể cân nhắc giải pháp mở thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược.
Rạng sáng 5/10, dữ liệu của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy, tồn kho dầu thô trong tuần 30/9 tại Mỹ giảm trở lại 1,8 triệu thùng, ngược lại với dự đoán tăng 2,1 triệu thùng của giới phân tích. Tồn kho các sản phẩm lọc dầu như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng đồng loạt giảm mạnh lần lượt là 3,5 triệu thùng và 4 triệu thùng. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá trong phiên giao dịch sáng nay, trước khi cuộc họp của OPEC+ bắt đầu.
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh từ 15h ngày 3/10. Cụ thể, giá xăng E5 giảm 1.050 đồng/lít, giá bán ra là 20.730 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 1.140 đồng/lít, giá bán là 21.440 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel giảm 330 đồng/lít, giá bán là 22.200 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Giá xăng hiện giảm về mốc của tháng 9/2021.