Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 4/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON 95 giảm 1.310 đồng/lít, giá bán là 22.320 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 1.250 đồng/lít, xuống 21.430 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 1.140 đồng/lít, giá bán ở mức 18.250 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm 960 đồng/lít, giá bán là 18.520 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 4/5 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.320 | - 1.310 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.430 | - 1.250 |
Dầu diesel | 18.250 | - 1.140 |
Dầu hỏa | 18.520 | - 960 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (5/5) tiếp đà đi lên từ phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h40' ngày 5/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 72,69 USD/thùng, tăng 0,19 USD, tương đương 0,26% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 68,76 USD/thùng, tăng 0,2 USD, tương đương 0,29% so với phiên liền trước.
Giá xăng dầu hôm qua (4/5) có xu hướng hồi phục sau khi giảm mạnh liên tiếp 3 phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h46' ngày 4/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 72,58 USD/thùng, tăng 0,25 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 68,65 USD/thùng, tăng 0,05 USD, tương đương 0,07% so với phiên liền trước.
Đến 19h44' ngày 4/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 72,69 USD/thùng, tăng 0,29 USD, tương đương 0,4% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI đạt 68,66 USD/thùng, tăng 0,06 USD, tương đương 0,09% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu thế giới có xu hướng phục hồi do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bỏ ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất.
Rạng sáng 4/5 (giờ Việt Nam), Fed quyết định nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản đúng như dự báo lên 5-5,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 10 của Fed, kể từ tháng 3/2022.
Việc Fed tăng lãi suất có thể tác động tiêu cực tới giá dầu bởi nó làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu năng lượng. Ngay sau quyết định tăng lãi suất của Fed, giá dầu thế giới đã lao dốc. Ngày 4/5, giá dầu thô Brent xuống mốc 72 USD/thùng, giá dầu WTI ở ngưỡng 68 USD/thùng.
Giá dầu cũng chịu tác động từ dữ liệu kinh tế yếu của Mỹ. Theo Reuters, dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố vào ngày 27/4 cho thấy mức chi tiêu cho hàng hóa của nước này giảm nhiều hơn dự kiến. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã chậm lại trong quý I/2023 dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 22/4.
Bên cạnh đó, những lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ đã đè nặng lên giá dầu. Sự khó khăn của ngành ngân hàng khiến cho những lo ngại về suy thoái kinh tế gia tăng. Điều này khiến các nhà đầu tư bớt lạc quan về nhu cầu tiêu thụ dầu thô và các sản phẩm lọc dầu trong thời gian tới.
Ngoài ra, giá dầu suy giảm còn do dữ liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Dữ liệu mới đây từ Chính phủ Trung Quốc cho thấy, hoạt động sản xuất của nước này bất ngờ giảm trong tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã phần nào bị chặn lại khi Fed bỏ ngỏ khả năng tạm dừng tăng lãi suất.
Các quan chức của Fed phát tín hiệu rằng họ có thể tạm dừng tăng lãi suất để có thời gian đánh giá hậu quả của cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây, giải quyết bế tắc chính trị về trần nợ của Mỹ và theo dõi lạm phát.
Giới phân tích cho rằng việc Fed chuyển sang chế độ tạm dừng tăng lãi suất sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giá dầu.
Cùng với đó, giá dầu cũng được nâng đỡ khi dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh. Theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này đã giảm khoảng 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21/4, tăng rất nhiều so với mức 1,5 triệu thùng mà các nhà phân tích dự đoán trước đó.
Đà giảm của giá dầu cũng được hạn chế nhờ việc cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có hiệu lực từ tháng này.
Tuy giá dầu có xu hướng đi lên nhưng không thể xóa đi mức giảm mạnh của 3 phiên trước đó. So với mức đóng cửa cuối tuần trước, giá dầu thô Brent giảm gần 8 USD/thùng còn giá dầu WTI giảm hơn 8 USD/thùng.