Giá xăng dầu trong nước hôm nay 5/6/2024
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay 5/6 được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 30/5.
Theo đó, giá xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng giảm giá xăng và giá dầu diesel, tăng giá dầu hỏa.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm về 21.750 đồng/lít. Giá xăng RON 95 hạ còn 22.510 đồng/lít.
Cùng xu hướng, giá dầu diesel giảm xuống 19.740 đồng/lít.
Ngược lại, giá dầu hỏa được nâng lên mức 19.930 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 30/5 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.510 | - 700 |
Xăng E5 RON 92-II | 21.750 | - 520 |
Dầu diesel | 19.740 | - 90 |
Dầu hỏa | 19.930 | + 30 |
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 5/6/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 5/6 nối dài đà giảm từ phiên đầu tuần (ngày 3/6).
Theo dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h09' ngày 5/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 77,45 USD/thùng, giảm 0,1% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 73,12 USD/thùng, giảm 0,18% so với phiên liền trước.
Ngày 4/6, giá xăng dầu thế giới tiếp tục lao dốc sau khi giảm hơn 3% vào phiên giao dịch 3/6, xuống mức thấp nhất trong gần 4 tháng.
Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh do các nhà đầu tư lo ngại quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) có thể dẫn đến nguồn cung cao hơn vào cuối năm.
Tại cuộc họp trực tuyến vào ngày 2/6, OPEC+ đã nhất trí gia hạn mức cắt giảm 3,66 triệu thùng/ngày thêm 1 năm cho đến cuối năm 2025 đồng thời kéo dài mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của 8 thành viên thêm 3 tháng cho tới cuối tháng 9/2024.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) nhận định điều này tác động tiêu cực đến giá dầu, bởi việc loại bỏ dần cắt giảm sản lượng tự nguyện cho thấy mong muốn mạnh mẽ của một số thành viên OPEC+ là khôi phục sản lượng bất chấp tồn kho dầu toàn cầu gần đây đã tăng lên đáng kể.
Nhiều nhà phân tích cho rằng quyết định của OPEC+ sẽ khiến giá dầu ngày càng giảm do lãi suất cao và sản lượng ngày càng tăng từ các nhà sản xuất ngoài OPEC như Mỹ.
Bên cạnh đó, nhu cầu dầu của Mỹ có dấu hiệu suy yếu cũng tác động tiêu cực lên giá dầu.
Một số nhà phân tích cho hay mối lo ngại về các động lực kinh tế vĩ mô từ những nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, như Mỹ và Trung Quốc, có khả năng gây áp lực khiến giá dầu giảm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Mỹ nhằm bổ sung dầu cho kho dự trữ dầu chiến lược của nước này đã hỗ trợ phần nào cho giá dầu.
Bộ Năng lượng Mỹ ngày 3/6 cho biết, nước này đang mua thêm 3 triệu thùng cho kho dự trữ dầu chiến lược với mức giá trung bình là 77,69 USD/thùng.