Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 3/7 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, giá xăng RON 95 xuống mức 21.420 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 về mức 20.470 đồng/lít. Giá dầu diesel là 18.160 đồng/lít. Giá dầu hỏa ở mức 17.920 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 3/7 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 21.420 | -590 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.470 | -400 |
Dầu diesel | 18.160 | -10 |
Dầu hỏa | 17.920 | -30 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (5/7) nối dài đà tăng từ phiên đầu tuần.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h08' ngày 5/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 75,83 USD/thùng. Còn giá dầu WTI ở mức 70,9 USD/thùng.
Hôm 4/7, giá xăng dầu tăng do lo ngại nguồn cung có thể bị thắt chặt.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h57' ngày 4/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 75,01 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương đương 0,48% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,18 USD/thùng, tăng 0,39 USD, tương đương 0,56% so với phiên liền trước.
Đến 21h34' ngày 4/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent lên mức 76,04 USD/thùng, tăng 1,39 USD, tương đương 1,86% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,14 USD/thùng, tăng 1,35 USD, tương đương 1,93% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu tiếp tục đi lên do các nhà đầu tư cân nhắc về việc Saudi Arabia, Nga và Algeria sẽ cắt giảm nguồn cung trong tháng 8.
Từ tháng này, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - tiến hành cắt giảm sản lượng tự nguyện từ 10 triệu thùng/ngày xuống còn 9 triệu thùng/ngày.
Reuters thông tin Saudi Arabia sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày đến tháng 8, đồng thời để ngỏ khả năng kéo dài việc cắt giảm sang những tháng sau đó.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak mới đây cho biết Moscow sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8.
Ngày 3/7, Bộ trưởng Năng lượng Algeria cho hay nước này sẽ cắt giảm sản lượng dầu thêm 20.000 thùng/ngày trong tháng 8 để hỗ trợ các nỗ lực của Saudi Arabia và Nga nhằm cân bằng và ổn định thị trường dầu mỏ.
Động thái trên của Saudi Arabia, Nga và Algeria đã nâng tổng số sản lượng dầu mà các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) cam kết cắt giảm lên khoảng 5,16 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5% nhu cầu toàn cầu hàng ngày.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị cản lại phần nào do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương vẫn hiện hữu.
Các cuộc khảo sát kinh doanh mới đây cho thấy hoạt động của nhiều nhà máy trên toàn cầu trong tháng 6 sụt giảm do nhu cầu chậm ở Trung Quốc và châu Âu, làm mờ triển vọng của các nhà xuất khẩu.
Một số nhà đầu tư tin rằng số liệu kinh tế yếu kém gần đây của Mỹ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, lo ngại về việc Mỹ và Liên minh châu Âu có thể rơi vào suy thoái cũng gây áp lực lên thị trường dầu mỏ.