Giá xăng dầu trong nước hôm nay 6/6/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (6/6) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều nay có thể giảm.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 550-700 đồng/lít. Còn giá dầu diesel dự kiến giảm 250-300 đồng/lít. Như vậy, giá xăng RON 95 có thể giảm về dưới mốc 22.000 đồng/lít.
Trường hợp liên bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có khả năng giảm ít hơn.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 30/5), giá xăng dầu được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh theo hướng giảm giá xăng và giá dầu diesel, tăng giá dầu hỏa.
Theo đó, giá xăng E5 giảm 520 đồng/lít, giá bán là 21.750 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 700 đồng, giá bán về mức 22.510 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm 90 đồng/lít, giá bán ở mức 19.740 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu hỏa được điều chỉnh tăng 30 đồng/lít, giá bán lên mức 19.930 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 6/6/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 6/6 tiếp đà đi lên từ phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 8h11' ngày 6/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 78,79 USD/thùng, tăng 0,43% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 74,49 USD/thùng, tăng 0,57% so với phiên liền trước.
Ngày 5/6, giá xăng dầu thế giới nhích tăng sau khi xuống sát mức thấp nhất trong gần 4 tháng ở phiên trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 20h35' ngày 5/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 77,9 USD/thùng, tăng 0,45% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 73,58 USD/thùng, tăng 0,45% so với phiên liền trước.
Giá xăng dầu thế giới lao dốc sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có kế hoạch tăng nguồn cung vào cuối năm nay.
Ngày 2/6, tại cuộc họp trực tuyến, OPEC+ nhất trí gia hạn cắt giảm sản lượng 3,66 triệu thùng/ngày thêm 1 năm cho đến cuối năm 2025. Nhưng tổ chức này cho biết việc cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày của 8 thành viên sẽ được dỡ bỏ dần dần, bắt đầu từ tháng 10 tới. Điều này làm tăng thêm nỗi lo của giới đầu tư về tình trạng dư cung.
Thêm vào đó, giá dầu giảm còn bởi tồn kho dầu và sản phẩm chưng cất của Mỹ, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới, bất ngờ tăng mạnh.
Theo Viện Dầu khí Mỹ (API), trong tuần kết thúc vào ngày 24/5, tồn kho dầu thô ở Mỹ tăng 4,052 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm 1,9 triệu thùng của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, giá dầu đã quay đầu tăng sau khi Mỹ công bố số liệu lao động cho thấy thị trường này đang suy yếu. Trong tháng 5, các doanh nghiệp tư nhân của nước này đã thuê số lượng công nhân ít hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Trong tháng 4, doanh số bán lẻ tại Mỹ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Điều đó cho thấy hoạt động tiêu dùng sụt giảm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo giới phân tích, với một nền kinh tế yếu hơn, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải sớm cắt giảm lãi suất sau thời gian dài neo cao. Đồng USD theo đó sẽ chịu áp lực giảm. Sự yếu đi của đồng USD sẽ đẩy giá dầu và giá vàng đi lên.