Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 1/6 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, giá xăng RON 95 là 22.010 đồng/lít. Giá xăng E5 RON 92 tăng lên mức 20.870 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm xuống mức 17.940 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm về mức 17.770 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 1/6 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 22.010 | +520 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.870 | +390 |
Dầu diesel | 17.940 | -10 |
Dầu hỏa | 17.770 | -190 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (6/6) giảm so với phiên hôm trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h09' ngày 6/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giảm về mức 76,55 USD/thùng, giảm 0,16 USD, tương đương 0,21% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 71,9 USD/thùng, giảm 0,25 USD, tương đương 0,35% so với phiên liền trước.
Hôm qua (5/6), giá xăng dầu bật tăng mạnh. Giá dầu Brent tiến sát mốc 78 USD/thùng, còn giá dầu WTI lên mức 73 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 10h09' ngày 5/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng lên mức 76,8 USD/thùng, tăng 0,67 USD, tương đương 0,88% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,45 USD/thùng, tăng 0,71 USD, tương đương 0,99% so với phiên liền trước.
Đến 19h32' ngày 5/6 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,89 USD/thùng, tăng 1,8 USD, tương đương 2,36% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,56 USD/thùng, tăng 1,82 USD, tương đương 2,54% so với phiên liền trước.
Theo các nhà phân tích, lo ngại về nguồn cung sụt giảm có thể sẽ hỗ trợ giá dầu, ít nhất là trong ngắn hạn.
Giá xăng dầu tăng mạnh sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đạt được một thỏa thuận rộng hơn về chính sách sản lượng vào ngày 4/6. Theo đó, OPEC+ gia hạn việc cắt giảm sản lượng 3,6 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm 2024.
Ngoài việc gia hạn cắt giảm sản lượng, OPEC+ đã đồng ý giảm các mục tiêu sản xuất chung từ tháng 1/2024 thêm 1,4 triệu thùng/ngày so với các mục tiêu hiện tại xuống còn 40,46 triệu thùng/ngày.
Dựa theo thỏa thuận nói trên của OPEC+, Saudi Arabia - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới - cam kết sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7. Việc Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu mỏ dựa trên một thỏa thuận của OPEC+ nhằm hạn chế nguồn cung vào năm 2024 khi nhóm này tìm cách hỗ trợ giá dầu đang giảm.
Theo Bộ Năng lượng của Saudi Arabia, sản lượng dầu của nước này sẽ giảm xuống 9 triệu thùng/ngày trong tháng 7 từ khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5. Đây là mức giảm lớn nhất trong nhiều năm qua.
Bên cạnh đó, báo cáo từ OPEC cũng cho thấy ước tính nhu cầu của thị trường đối với dầu thô của nhóm sẽ tăng mạnh trong 2 quý cuối năm. Vì thế, nếu Saudi Arabia thực hiện cắt giảm mạnh tay sẽ dễ xảy ra tình trạng thiếu hụt nhẹ trên thị trường và hỗ trợ cho giá dầu.
Trong khi đó, tại Mỹ, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động đã giảm 15 giàn, xuống còn 555 giàn vào tuần trước.
Hoạt động khoan dầu của Mỹ đã chậm lại kể từ tháng 12/2022 do giá dầu thô giảm, chi phí tăng. Kể từ đầu năm đến nay, giá dầu thô của Mỹ đã giảm 11% và giá khí đốt tự nhiên giảm 51%.
Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu sẽ tăng trong thời gian tới do nguồn cung thắt chặt.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng giá dầu sẽ đạt 95 USD/thùng vào tháng 12/2023. Còn các nhà phân tích tại Ngân hàng ANZ kỳ vọng giá dầu Brent có thể lên mức 100 USD/thùng vào cuối năm nay.