Giá xăng dầu trong nước hôm nay 7/12/2023
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (7/12) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu nhận định, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều nay có thể giảm theo giá thế giới.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng trong nước có thể giảm 320-520 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng giảm 310-410 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể giảm ít hơn.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 30/11), giá bán lẻ các loại xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng, giảm trái chiều.
Cụ thể, giá xăng E5 được nâng lên 100 đồng mỗi lít, giá bán là 21.790 đồng/lít. Giá xăng RON 95 hạ 30 đồng/lít, giá bán không cao hơn 22.990 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 90 đồng/lít, giá bán xuống 20.190 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa tăng 170 đồng/lít, lên mức 21.110 đồng một lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 7/12/2023
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 7/12 tiếp tục lao dốc không phanh, theo đà giảm từ cuối tuần trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h06' ngày 7/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 74,53 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 69,69 USD/thùng.
Hôm 6/12, giá dầu thế giới giảm khá mạnh. Giá dầu Brent và dầu WTI đều đã xuống mức thấp nhất kể từ ngày 6/7.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 21h22' ngày 6/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 75,91 USD/thùng, giảm 1,29 USD, tương đương 1,67% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 70,92 USD/thùng, giảm 1,4 USD, tương đương 1,94% so với phiên liền trước.
Giá dầu tiếp tục đi xuống trong bối cảnh các nhà đầu tư cân nhắc hiệu quả của việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) nhằm thắt chặt nguồn cung.
Cuộc họp của OPEC+ vào tuần trước kết thúc bằng tuyên bố cắt giảm tự nguyện của từng thành viên thay vì tuyên bố chung của nhóm. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu các thành viên của OPEC+ có thực hiện đầy đủ cam kết của mình hay không.
Giá dầu giảm bất chấp Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết OPEC+ sẵn sàng cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn trong quý I/2024 để loại bỏ “đầu cơ và biến động” nếu các hành động cắt giảm sản lượng hiện nay là không đủ.
Một nguyên nhân khác khiến giá dầu đi xuống là lo ngại về nhu cầu yếu tại Trung Quốc và Mỹ, những nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Nền kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu chậm lại trong vài tháng qua bởi khủng hoảng bất động sản.
Ngày 5/12, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's hạ triển vọng xếp hạng A1 của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực. Moody’s dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của nước này sẽ giảm xuống còn 4% trong cả năm 2024 và 2025, trung bình 3,8%/năm từ năm 2026-2030.
Tại Mỹ, tồn kho xăng và dầu thô trong tuần cuối tháng 11 tăng khá mạnh. Theo đó, tồn kho dầu tăng 594.000 thùng, còn tồn kho xăng tăng 2,8 triệu thùng.