Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm nay (15/8).
Theo đó, giá xăng E5 tăng 170 đồng/lít, giá bán là 20.880 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 180 đồng/lít, giá bán là 21.850 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel cũng được điều chỉnh tăng 90 đồng/lít, giá bán ở mức 19.230 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành lần này, liên bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục không trích cũng không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng nhiên liệu.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 8/8), giá các loại xăng dầu đều được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 giảm 900 đồng/lít, giá bán là 20.710 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 930 đồng/lít, giá bán còn 21.670 đồng/lít.
Trong khi đó, giá dầu diesel được điều chỉnh giảm 730 đồng/lít, giá bán ở mức 19.140 đồng/lít. Còn giá dầu hỏa giảm 680 đồng/lít, giá bán về mức 19.410 đồng/lít.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các thông số đầu vào do Bộ Công Thương công bố, công thức tính toán quy định tại Nghị định để tự tính toán và công bố giá bán xăng dầu của thương nhân.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu (riêng dầu mazut là giá bán buôn) trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá bán xăng dầu tối đa theo quy định.
Giá bán xăng dầu tối đa được thực hiện như sau: giá bán xăng dầu tối đa bằng (=) {giá xăng dầu thế giới (x) tỷ giá ngoại tệ} cộng (+) thuế nhập khẩu cộng (+) thuế tiêu thụ đặc biệt cộng (+) thuế bảo vệ môi trường cộng (+) thuế giá trị gia tăng cộng (+) chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, dù có thay cách quản lý hiện hành từ việc Nhà nước công bố giá cơ sở làm căn cứ để doanh nghiệp định giá, sang cách Nhà nước không công bố giá mà công bố chi phí để doanh nghiệp định giá thì không thay đổi bản chất là Nhà nước can thiệp trực tiếp vào thị trường bằng giá trần, trong đó có những loại chi phí thị trường.
Thẩm định dự thảo Nghị định, Bộ Tư pháp cũng cho rằng: Việc dự thảo Nghị định quy định mức giá tối đa trong kinh doanh xăng dầu về bản chất không có sự khác biệt so với quy định hiện hành, chưa thống nhất với nhận định “giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan Nhà nước vào việc quyết định giá bán của doanh nghiệp, tạo môi trường cạnh tranh về giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, giúp doanh nghiệp linh hoạt và tự chủ quyết định giá bán xăng dầu trên thị trường...”.