Trong hội thảo dành cho những nhà phát triển game GDC 2019, Googleđã công bố nền tảng Stadia. Đây là nền tảng chơi game trên đám mây, hứa hẹn đem lại khả năng chơi game bom tấn trên mọi thiết bị.
Có thể coi Stadia như "Netflix của ngành game", khi người chơi có thể thưởng thức mọi game chỉ với kết nối Internet.
Miếng bánh "gaming trên mây" quá hấp dẫn
Sức hấp dẫn của một dịch vụ chơi game trên mây là rất dễ hiểu. Ngành công nghiệp game luôn hướng tới những tiêu chuẩn cao hơn về đồ họa, nhưng điều đó đi kèm với yêu cầu về phần cứng rất mạnh mẽ.
Nói cách khác, để thưởng thức được những tiến bộ mới nhất về game, bạn cần một cỗ máy thực sự mạnh với số tiền đầu tư hàng chục triệu.
Những dịch vụ như Google Stadia hứa hẹn sẽ loại bỏ rào cản đó. Mọi công việc xử lý hình ảnh và game đều được chuyển lên "đám mây" (cloud) để lợi dụng sức mạnh xử lý của những cỗ máy cực kỳ mạnh mẽ từ Google.
Việc của thiết bị giờ đơn giản là nhận hình ảnh được truyền qua mạng, đồng thời ghi nhận những thao tác điều khiển của người chơi. Do vậy, về lý thuyết thì mọi thiết bị đều có thể chạy mượt, với đồ họa rõ nét những game trên Stadia. Chất lượng mạng là yếu tố sống còn để Satdia có thể hoạt động.
Google cho biết các thiết bị hỗ trợ Stadia bao gồm cả máy tính, smartphone, TV và máy tính bảng. Việc truy cập game đơn giản đến mức có thể mở ra ngay từ ứng dụng YouTube, khi bạn đang xem một video giới thiệu game.
Việc đưa game lên “mây” còn có nhiều điểm hấp dẫn khác. Quá trình chơi game sẽ được lưu trên mạng, do vậy người chơi có thể dừng trò chơi vào bất cứ lúc nào, sau đó mở một thiết bị khác lên và chơi tiếp ngay ở thời điểm đó. Việc xử lý được thực hiện hoàn toàn trên máy chủ của Google cũng giúp giảm nạn hack game, vấn đề nhức nhối tại châu Á.
Là một nền tảng trực tuyến nên các tính năng chơi chung, chia sẻ thành tích hay stream, tương tác với người xem cũng được Google chú trọng trên Stadia. Họ thậm chí còn tích hợp cả trợ lý ảo Google Assistant vào nền tảng này để có thể hướng dẫn người chơi vượt qua những đoạn khó.
Những dự án tương đồng trước đó
Google không phải là hãng đầu tiên tiến vào lĩnh vực gaming trên nền tảng đám mây. Cách đây 4 năm, OnLive đã tung ra dịch vụ tương tự, nhưng nhanh chóng thất bại bởi không thể đảm bảo chất lượng hình ảnh và tốc độ phản hồi khi chơi game.
Sony cũng có một dịch vụ chơi game qua mạng gọi là PlayStation Now, cho phép chơi hầu hết game trên hệ PlayStation chỉ với kết nối mạng. Hạn chế của dịch vụ này là nó chỉ hỗ trợ máy chơi game PS4 hoặc máy tính.
Gần đây, Sony đã mở ứng dụng Remote Play cho cả iOS lẫn Android, cho phép người dùng chơi game PS4 trên di động ở bất cứ đâu. Dù vậy, bạn vẫn phải sở hữu PS4 mới có thể chơi game.
Nhà sản xuất card đồ họa Nvidia cũng có dịch vụ tương tự có tên GeForce Now. Trên máy tính, GeForce Now cho người dùng “thuê” một máy tính cấu hình cao, cài đặt game và chơi qua mạng. Nhìn chung cách hoạt động của GeForce Now cũng tương tự Stadia, nhưng yêu cầu thực hiện nhiều thao tác thủ công hơn và cũng không hỗ trợ smartphone, smart TV.
Thực tế khó 'ngon' như những gì Google hứa hẹn?
Điểm qua một số dịch vụ chơi game dựa trên mây đã từng được giới thiệu, có thể thấy Stadia là dịch vụ hoàn chỉnh và dễ dùng nhất (về mặt lý thuyết).
Dịch vụ này hoạt động trên dải thiết bị rất rộng, dễ dàng kích hoạt và chơi. Dù vậy, vẫn còn nhiều câu hỏi và thách thức phía trước để Stadia có thể đạt đến mức “ngon” như những gì Google đang hứa hẹn.
Bản chất chơi game qua mạng chính là điểm khiến cho dịch vụ này khó có thể ổn định. Hẳn bạn đã từng gặp trường hợp xem video trên YouTube và không thể xem mượt, giảm tốc độ khi mạng chập chờn. Như vậy, trải nghiệm chơi game trên Stadia thực tế có thể sẽ thiếu ổn định, không thể đảm bảo đồ họa luôn giữ ở một mức như chơi game trên máy tính, console.
Google cho biết Stadia cần một đường mạng tốc độ 5 MB/s để chơi mượt ở độ phân giải Full HD. Dịch vụ này còn có chất lượng 4K và tương lai là 8K, và để đạt được những mức chất lượng này chắc chắn yêu cầu mạng sẽ rất cao.
Tốc độ mạng chỉ là một phần, sự ổn định của mạng chính là yếu tố hạn chế của một game chơi qua Internet. Tại sự kiện công bố Stadia, nhân viên của Google chơi game trên chiếc Chromebook Pixel kết nối mạng dây, và có lẽ sử dụng một đường mạng tốc độ cao của trung tâm hội nghị. Dù vậy, có thể nhận thấy nhiều thao tác vẫn bị chậm, nhân vật trong game không phản hồi ngay lập tức sau thao tác của người chơi.
Trang tin Global Foundry đã thử nghiệm nhanh độ trễ của Stadia tại sự kiện. Thao tác trên Stadia mất 166 ms mới được phản hồi, trong khi một thao tác tương tự khi chơi trên máy tính chỉ mất 79 ms, còn trên Xbox One X mất 145 ms.
Đó là thử nghiệm ở môi trường có mạng ổn định. Một trong những điểm thu hút của Stadia là khả năng chơi game trên di động, và người chơi sẽ sử dụng dịch vụ ở bất kỳ đâu: tại nhà, khi ra đường hay trên tàu điện ngầm.
Chất lượng mạng lúc này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới trải nghiệm chơi game. Nếu độ trễ quá cao, nhiều người chơi sẽ không lựa chọn Stadia cho các game yêu cầu tốc độ, kỹ năng như thể loại FPS.
Trong sự kiện ra mắt, Google cũng không hề đề cập đến mô hình thu phí của Stadia. Liệu họ sẽ thu phí theo thuê bao hàng tháng, theo giờ chơi hay theo từng game? Mức phí sẽ là bao nhiêu, có đủ thấp để thu hút người chơi không? Sau một thời gian, liệu mức phí có còn hấp dẫn nếu so với việc sở hữu một chiếc PC hay console?
Một câu hỏi khó nữa là những game nào sẽ xuất hiện trên Stadia. Mọi nền tảng chơi game đều cần những game độc quyền, như Halo trên Xbox hay God of War trên PlayStation.
Google đã lập ra một studio phát triển game riêng cho nền tảng Stadia có tên Stadia Games and Entertainment, nhưng họ sẽ phải thuyết phục rất nhiều studio khác nếu muốn có đủ lựa chọn cho người chơi. Hiện tại, mới chỉ có 2 game chắc chắn xuất hiện trên Stadia là Assassin’s Creed Origins và Doom Eternal.
Google sẽ ra mắt Stadia trong năm 2019, nhưng nếu không thể trả lời những câu hỏi trên thì chơi game trên mây và thị trường game trị giá 140 tỷ USD vẫn chỉ là giấc mơ xa vời của người chơi, và có thể là của Google.
Theo Zing