Thời điểm năm 2015 - lúc đó thị trường di động và Internet bùng nổ, các nhà mạng lớn như VNPT và Viettel bắt đầu tuyên bố sản xuất công nghiệp sẽ trở thành trụ cột của họ. Trước mắt, những doanh nghiệp này sản xuất các sản phẩm đầu cuối phục vụ trên mạng lưới của mình, sau đó hướng tới xuất khẩu. Thời điểm đó, phía Viettel lý giải rằng chỉ có sản xuất công nghiệp mới có thể chủ động được việc đưa các ứng dụng, dịch vụ của mình đến với khách hàng. Thậm chí, những mô hình như thành lập Tổng công ty công nghiệp đã được VNPT đề cập cho lộ trình tái cơ cấu của mình.
Đến thời điểm này, sản xuất công nghiệp vẫn là câu chuyện khó với rất nhiều doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là để ra được sản phẩm có thể cạnh tranh với thi trường. Thế nhưng, đây vẫn là khát vọng của những doanh nghiệp muốn vươn lên làm chủ công nghệ.
Viettel lập Tổng công ty công nghiệp
Mới đây, Viettel ra mắt Tổng công ty Sản xuất thiết bị Viettel (VMC), đánh dấu chuyển dịch chiến lược của tập đoàn tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là tổng công ty thứ 9 thuộc Viettel.
Phía Viettel cho hay, VMC hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện tử, cơ khí chính xác, sản xuất thiết bị quang điện tử, tích hợp. VMC còn mở rộng sang các lĩnh vực công nghệ mới như composite, xử lý bề mặt, chế tạo robot, điện gió, dầu khí… Mục tiêu là trở thành nòng cốt trong Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao quốc gia và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
VMC định hướng sẽ nhắm tới những sản phẩm công nghệ cao thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện tử, mô hình mô phỏng, radar, điều khiển tự động, cáp quang và tác chiến không gian mạng. Bên cạnh đó, VMC cũng sản xuất hệ thống thiết bị, phần mềm đảm bảo cho hạ tầng mạng lưới viễn thông; các thiết bị thông minh IoT gắn với mạng 5G và sản phẩm cơ khí chính xác đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phía VMC còn cho hay, sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu theo ngành cơ khí công nghệ cao và ngành điện tử thuộc các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, giao thông vận tải, viễn thông...
Hiện tại, VMC sở hữu hệ thống nhà xưởng rộng hơn 26 ha và 1.300 cán bộ công nhân viên với nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại như chuỗi dây chuyền SMT ứng dụng công nghệ dán bề mặt công suất khoảng 1.000.000 linh kiện/giờ; hệ thống trang thiết bị cơ khí chính xác công nghệ cao; hệ thống dây chuyền cáp quang. Trong tương lai gần, nhà xưởng cơ khí chính xác với diện tích gần 10ha được hoàn thành tại Khu CNC Hòa Lạc, sẽ thúc đẩy quá trình nghiên cứu, sản xuất, chế tạo và tích hợp các sản phẩm cơ khí chính xác công nghệ cao của Viettel.
VNPT và giấc mơ thành lập Tổng công ty công nghiệp
Sau thời kỳ số hóa mạng lưới và mở rộng hợp tác quốc tế những năm cuối thập niên 1990, VNPT đã có nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp. Có giai đoạn cụm công nghiệp của VNPT tại Yên Viên - Gia Lâm - Hà Nội trở thành điểm sáng với các nhà máy sản xuất cáp, thiết bị viễn thông. Khối công nghiệp của VNPT phát triển mạnh, nhưng lúc đó VNPT “một mình một chợ” và thực hiện cơ chế bao tiêu sản phẩm.
Sau đó, bước vào thời kỳ chuẩn bị cho tái cơ cấu trước năm 2015, VNPT đã từng xem khối công nghiệp là ngánh nặng của tập đoàn. Thế nhưng, chỉ sau khi tiến hành tái cơ cấu, năm 2015 lãnh đạo VNPT khẳng định, sức cạnh tranh của VNPT không thể thiếu khối công nghiệp. Đây sẽ là một trụ cột trong chiến lược phát triển của VNPT. Khi đó, VNPT đã sản xuất được set top box, modem quang, modem Wi-Fi, thậm chí cả smartphone và chủ động 100% thiết bị đầu cuối trên mạng của VNPT.
VNPT đã hướng đến xây dựng khối công nghiệp trở thành trụ cột chiến lược và cũng là vũ khí cạnh tranh. Tập đoàn sẽ xây dựng VNPT Technology trở thành nòng cốt trong khối công nghiệp này. Bộ TT&TT cũng cổ vũ cho mục tiêu đó và cho rằng, VNPT cần đưa VNPT Technology thành Tổng Công ty với mục tiêu thực sự làm chủ thiết bị công nghệ để cung cấp cho chính VNPT, cũng như thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Tuy nhiên, sau đó, trong đề án tái cơ cấu của mình, VNPT không đề cập đến việc thành lập một tổng công ty chuyên về lĩnh vực này.
Mặc dù không phải là mô hình Tổng công ty nhưng VNPT Technology là đơn vị chủ lực của VNPT trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, bưu chính viễn thông. VNPT Technology sở hữu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm về nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ.
“VNPT Technology đang hướng tới các sản phẩm cho thị trường viễn thông - doanh nghiệp và cá nhân như: công nghệ 5G, công nghệ IoT, băng rộng cố định, băng rộng không dây và công nghệ chuyển đổi số. Các hệ sinh thái sản phẩm tiêu biểu của chúng tôi có thể kể đến gồm Hệ sinh thái kết nối gia đình Việt và Nền tảng hợp nhất công nghệ chuyển đổi số”, ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Tổng Giám đốc VNPT Technology chia sẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, VNPT Technology đã cung cấp ra thị trường 12 triệu sản phẩm, 100% thiết bị đầu cuối mạng VNPT, 60% thị phần đầu thu kỹ thuật số DVB-T2 phục vụ Đề án số hóa truyền hình. Sản phẩm, giải pháp của công ty có mặt tại 11 quốc gia. Song câu chuyện liệu có thành lập tổng công ty công nghiệp của VNPT hay không chưa được lãnh đạo tập đoàn chính thức đề cập.
Ngoài VNPT và Viettel, người chơi mới là Vingroup cũng đầy tham vọng trong việc sản xuất sản phẩm công nghiệp như 5G, smartphone, tivi… Nhiều người kỳ vọng tập đoàn này sẽ đưa ra thị trường những sản phẩm ICT Make in Vietnam có thể cạnh tranh được với đối thủ ngoại. Thế nhưng, giấc mơ đó giờ không còn hiện thực khi Vingroup tuyên bố tập trung cho xe ô tô điện.
Thái Khang