Cuộc khủng hoảng tại châu Âu không thực sự chỉ xoay quanh câu chuyện tiền bạc. Mà đúng hơn đó là một câu chuyện tiểu thuyết đã và đang tồn tại.
Khi đồng euro chính thức được đưa vào lưu thông sau tiếng chuông đổ lúc nửa đêm 1/1/2002, các màn pháo hoa đã làm bừng sáng màn trời đêm khắp châu Âu để tiễn biệt đồng franc Pháp, mark Đức, drachma Hy Lạp, và một số đồng tiền lâu đời khác. Tại Bussels diễn ra một màn trình diễn tràn ngập âm thanh và ánh sáng, trong khi Frankfurt công bố bức tượng 1 đồng tiền cao 5 tầng mới được đúc ra trong khi ban nhạc pop xướng vang ca khúc With Open Arms (bài hát quảng bá đồng euro ra thế giới)."Tôi tin tưởng", chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Wim Duisenberg tuyên bố rằng việc phát hành đồng tiền xu và tiền giấy euro "sẽ xuất hiện trong sách sử của tất cả các nước chúng ta và mở ra một kỷ nguyên mới tại châu Âu".
Cảm giác đầu những năm 2000 giống như thời khắc của riêng châu Âu vậy. Những nhà nghiên cứu chính sách ở cả 2 bờ Đại Tây Dương ví đây như sự xuất hiện đầy quyến rũ trên sân khấu toàn cầu. Trên tạp chí Forein Policy năm 2004, tác giả Parag Khanna đã miêu tả cái Liên minh châu Âu "cá tính" ấy như "một siêu cường lôi cuốn" oai vệ bước qua nước Mỹ cường tráng nhưng quê mùa trên sàn diễn ngoại giao toàn cầu. Cuối năm đó, nhà kinh tế học Jeremy Rifkin cũng viết một bài tán tụng dài bằng cả cuốn sách có tựa đề, Giấc mơ châu Âu: Vì sao tầm nhìn tương lai của châu Âu đang âm thầm che khuất giấc mơ Mỹ, tiếp sau là cuốn sách bán chạy nhất của phóng viên tờ Washington Post T.R. Reid, Nước Mỹ của châu Âu: Siêu cường mới và cái kết cho vị thế số 1 của Mỹ. Năm 2005, chuyên gia chính sách đối ngoại Mark Leonard thì đưa ra lời giải thích cho câu hỏi "Tại sao châu Âu sẽ thống trị thế kỷ 21".
Ai đó sẽ tự hỏi, liệu những quốn sách ấy có bán chạy được nữa hay không ở thời điểm hiện nay, khi mà giấc mơ châu Âu đã trở thành cơn ác mộng đối với nhiều người, khi đồng euro đang mấp mé bờ vực sụp đổ và cái liên minh khai sinh ra nó đang sa lầy trong bộ 3 cuộc khủng hoảng mà sẽ phải mất hàng năm, nếu không nói hàng thập kỷ, mới mong giải quyết xong.
Trước tiên, đó là thảm họa kinh tế. Giống như nước Mỹ, châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính khắc nghiệt nhất kể từ những năm 1930. Thất nghiệp cao - hơn 20% ở Tây Ban Nha, nơi trước đó từng đang bay rất cao - trong khi tăng trưởng gần như không tồn tại, ngân hàng đổ vỡ, và các chính phủ mắc nợ vẫn không thể chạy đâu ra tiền. Một số nước, trong đó Anh, Hy Lạp, Ireland, Italia, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha, đang phải đối mặt với một tương lai đầy khó khăn cho cả một thế hệ.
Thứ hai, khủng hoảng kinh tế kéo theo cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc nhất từng diễn ra ở Liên minh châu Âu. Dự án tham vọng nhất của tổ chức này, phát hành đông tiền chung duy nhất, đang đứng trước nguy cơ đổ bể. Nguyên tắc tự do di chuyển con người, một hòn đá tảng nữa trong quá trình nhất thể hóa của EU, đang gặp thách thức lớn khi một số nước lại tái ban hành lệnh kiểm soát biên giới. Cả châu Âu đang mòn mỏi trông đợi một giới lãnh đạo có tầm nhìn xa trông rộng. Và các cử tri bất mãn lần lượt sang chủ nghĩa dân túy phản đối nhập cư. Trong bài diễn văn hằng năm hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso đã thừa nhận, "Chúng ta đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử của Liên minh". Một tháng sau, Thủ tướng Đức Angela Merkel miêu tả mối đe dọa đối với đồng euro là "cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất của châu Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2". Lần đầu tiên trong 20 năm qua, khả năng tan vỡ của Liên minh châu Âu không còn là câu chuyện khoa học viễn tưởng, mà là một nguy cơ có thật, cho dù khó xảy ra.
Liên minh châu Âu được xây dựng dựa trên câu chuyện thần thoại rằng châu Âu là một dân tộc có định mệnh chung - một "liên minh mật thiết hơn bao giờ hết", theo ngôn từ của Hiệp định Rome năm 1957 về thành lập cái mà sau này được gọi là Cộng đồng kinh tế châu Âu. Châu Âu đang ngộ ra rằng những khác biệt giữa các vùng và quốc gia sẽ không thể dung hòa và người châu Âu suy nghĩ và hành động cũng chẳng ai giống ai. Quan điểm của Anh về vai trò của nhà nước quá khác với quan điểm của Pháp. Quan điểm của Hy Lạp hay Italia về luật pháp cũng chẳng hề giống của Thụy Điển hay Đan Mạch. Các khoản thuế người Ireland phải đóng góp cũng không phải là mức thuế áp dụng với người Đan Mạch hay người Bỉ.
Sự thiếu thống nhất này chính là cuộc khủng hoảng thứ ba và cũng là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất, là nguyên nhân cơ bản nhất của dẫn đến các tai ương về kinh tế và chính trị ở châu lục này. Phần đông người châu Âu đều không biết rõ EU đại diện cái cho cái gì trên thế giới, điều gì gắn kết người dân châu lục lại với nhau, nó xuất phát từ đâu trong quá khứ và rồi nó sẽ đi về đâu trong tương lai. Sau hơn 60 năm hội nhập của EU, với 200.000 trang luật và một chồng (vẫn đang dày lên) các hiệp ước quốc tế, họ đã xây dựng thành công một Liên minh châu Âu dù không hề tồn tại những con người mang quốc tịch châu Âu (theo nghĩa như công dân của 1 quốc gia).
"Vâng, đúng vậy, nhưng người châu Âu nghĩa là như thế nào?"
Câu hỏi từ một sinh viên, đối với tôi, lẽ ra phải quá dễ tìm ra câu trả lời chứ. Nhưng, tôi sinh ra ở Wales và sống ở châu Âu lục địa - Oslo, Prague và Brussels - trong gần 25 năm qua. Tôi đã đến tất cả các nước EU, trừ Malta. Tôi nói được một số tiếng châu Âu và học đại học ngành lịch sử và chính trị châu Âu. Tôi làm việc ở Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu. Bạn bè thân thiết nhất của tôi là những người Hà Lan, Đức, Slovakia và Thụy Điển. Vợ tôi là người Pháp và các con tôi đều nói được 2 thứ tiếng. Không giống như một số tổng thống gần đây của Mỹ, tôi biết sự khác biệt giữa Slovenia và Slovakia. Nếu ai đó đích thực là người châu Âu, hay ít nhất là biết người châu Âu nghĩa là thế nào, thì có lẽ tôi phải là một trong số đó chứ.
Thế nhưng tôi lại thấy lắp bắp và ấp úng khi đi tìm câu trả lời. Tôi đã nói dông dài về giá trị châu Âu - tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp trị - nhưng vẫn không thể thuyết phục được chính tôi, chứ chưa nói đến lớp học.
"Các giá trị cơ bản của châu Âu rất cao quý", Jan Peter Balkenende, thủ tướng Hà Lan từng phát biểu năm 2004. Nhưng thực tế khi tiếp tục định nghĩa sâu hơn các giá trị này, ông trở nên mơ hồ hơn, và thừa nhận "chúng ta đã thảo luận về khái niệm châu Âu trong cả 1.200 năm qua, nhưng chúng ta không hiểu nó nghĩa là gì". Đó chính là vấn đề: giá trị được nêu ra ở đây vì chúng là thứ keo dính gắn kết các quốc gia và dân tộc với nhau.
Các giá trị Mỹ được xác định rõ ràng và ngắn gọn trong Luật Nhân quyền và Hiến pháp Mỹ và đa số học sinh trong các trường học Mỹ đều phải học, còn một số nghị sĩ thì thường mang theo bên mình. Ngược lại, Liên minh châu Âu không có hiến pháp, trong khi Hiến chương Các quyền cơ bản mới chỉ có tính ràng buộc pháp lý từ năm 2009. Thứ gần nhất về EU có liên quan đến văn bản sáng lập là bản hiệp ước pháp lý đầy khó hiểu đã qua 6 lần sửa đổi kể từ ngày ký năm 1957, Hiệp ước Rome. Hiện thân gần nhất của cuốn sách luật EU này, Hiệp ước Lisbon 2007, cam kết liên minh sẽ gắn bó với các giá trị như tự do ngôn luận, dân chủ, và phát triển bền vững. Vậy nên, thật khó bác bỏ ý kiến của nhà báo Mỹ Christopher Caldwell, người từng viết cuốn sách đầy khiêu khích năm 2009 Phản ánh cuộc cách mạng châu Âu rằng, "không có một sự đồng thuận nào, ngay cả chỉ một chút, về giá trị của châu Âu là gì".
Tại sao lại đến nỗi như vậy? Trong nhiều thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, châu Âu luôn đeo đuổi những thứ như: thịnh vượng cho một châu lục bị chiến tranh tàn phá, thoát khỏi nền chuyên chế - ít nhất là cho những ai sống ở nửa Tây của châu Âu - và hòa bình giữa các quốc gia sau nhiều thế kỷ đổ máu. (Có lúc người ta thấy lo sợ rằng tình trạng trên sẽ không kéo dài vĩnh viễn, như trong quan sát đặc biệt theo trường phái Hobbes trên trang bình luận của tờ International Herald Tribune trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng đồng euro cuối tháng 10: "Ai có thể cứu châu Âu thoát khỏi địa ngục? EU"). Rất khó có thể lý luận [giá trị của châu Âu] là hòa bình, thịnh vượng và tự do - chắc phải có cái gì khác nữa ở đây? Nhà viết luận người Anh Timothy Garton Ash đã thử đưa ra định nghĩa về các giá trị châu Âu trong bài luận năm 2007 đăng trên tờ Prospect, bổ sung thêm pháp luật, tính đa dạng, và tình đoàn kết vào trong danh sách các giá trị. Thế nhưng những thứ ấy đâu phải là bản sắc của riêng châu Âu. Chúng chỉ là cái cớ để che đậy đi một loạt khác biệt giữa các nước EU.
Đơn cử, pháp trị có thể là điều kiện tiên quyết để được gia nhập Liên minh châu Âu, nhưng một số nước, như Bỉ và Pháp, vẫn chỉ giỏi kêu gọi ban hành luật pháp mới hơn là tuân thủ các luật lệ đã được thông qua từ trước. Ở nhiều nước khác, như Bulgaria và Romania, tham nhũng tràn lan, trong khi ở Italia, tổ chức mafia không ngừng đùa giỡn với công lý ở miền nam nước này.
Tuy nhiên, chính trong vấn đề đa dạng và đoàn kết, câu chuyện của toàn bộ châu Âu mới khó ăn nhập nhất. EU luôn lấy làm tự hào về những sự khác biệt bên trong khối. Phương châm của khối là "thống nhất trong đa dạng" và hiếm có nơi nào trên trái đất lại có một mớ hỗn độn đáng tự hào đến thế bao gồm văn hóa, ngôn ngữ, phong cảnh và con người cùng tồn tại trên một vùng đất nhỏ như vậy. Tuy nhiên, đa dạng không đồng nghĩa với chịu đựng và tồn tại những khác biệt không có nghĩa là chấp nhận chúng - một sự thực đã thể hiện rõ ràng khi châu Âu lún sâu hơn vào khủng hoảng và các mỗi quan hệ giữa các thành viên trở nên căng thẳng.
Khi chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy Geert Wilders đề nghị sáp nhập khu vực Flanders của cộng đồng người Flemings vào Hà Lan năm 2008, độc giả một tờ báo của người Flemings đã đăng tải những bình luận tỏ rõ sự giận giữ: "Nếu Flanders thuộc về những gã nhiều chuyện, những kẻ lưu manh côn đồ, những gã thanh niên sát thủ, và những kẻ điên khùng ấy, thì tôi sẽ gia nhập lực lượng nổi dậy vũ trang! Có người Hà Lan ở cùng khu cắm trại đã là đủ lắm rồi!" Một người khác thì viết: "Một liên hiệp với Ma-rốc hay Mông Cổ còn tốt hơn. Ở đó họ không đi tiểu lên những bức tường nhà thờ, và họ không ăn thịt viên chiên từ các máy bán hàng ăn nhanh ven đường". Có thể những phản ứng đầy tính kích động nhưng cũng thông cảm được: dù đã trải qua 60 năm hội nhập và tương tác mật thiết hơn bao giờ hết giữa những người châu Âu, nhưng các định kiến rõ ràng vẫn đang tồn tại rất mãnh liệt và ngày càng ăn sâu, khiến các đảng phái chính trị chủ trương ít đa dạng và không khoan dung đang thắng thế. Trong các cuộc bầu cử gần đây tại Pháp, Bỉ, Hà Lan, Ý, Hungary và ngay cả những nước tiến bộ hơn như Thụy Điển, Phần Lan, cử tri cũng đang thể hiện sự lo ngại và tinh thần bài ngoại, điều có thể được miêu tả gọn lại là mặt trái giấc mơ châu Âu của Rifkin (Jeremy Rifkin, tác giả cuốn sách Giấc mơ châu Âu).
Nếu có một giấc mơ châu Âu, nó phải được dựa trên tinh thần đoàn kết giữa các thành viên anh em của câu lạc bộ 27 quốc gia này. Nhưng hãy thử thuyết phục được dân Pháp, những người đã chỉ trích thậm tệ các thợ sửa ống nước của Ba Lan đánh cắp việc làm của họ trong cuộc tranh luận về hiến pháp EU bị thất bại năm 2005. Hay dân Hà Lan, những người đã lẩn tránh việc ủng hộ số tiền lớn cho các thành viên nghèo hơn trong khối. Hay dân Đức, Slovakia và Phần Lan, những người vẫn luôn cằn nhắn khi ném chiếc dây cứu sinh cho đất nước Hy Lạp đang sắp phá sản.
Tại Quốc hội EU năm 1948, Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói một câu nổi tiếng: "Chúng tôi hy vọng được thấy một châu Âu, nơi mà người dân của tất cả các nước sẽ nghĩ mình là một người châu Âu như thể mình thuộc về quê hương mình vậy, và dù họ có đi đâu trong dải đất bao la này... họ lúc nào cũng có cảm giác như "đây quê hương tôi"".
Một số người hy vọng như vậy. Ngày nay, dường như người dân đã ít di chuyển hơn thời khi Churchill đọc diễn văn - chỉ chừng 2% người châu Âu sống ở các nước EU khác không phải nước mà họ là công dân. Thay vì xóa sạch biên giới - như mục tiêu của thỏa thuận mà các nước Tây Âu đã ký ở Schengen, Luxembourg, năm 1985 - thì chúng lại đang trở nên hết sức nóng hổi. Pháp mới đây đã dựng lên những hàng rào kiểm soát biên giới tại khu vực giáp với Ý để ngăn chặn làn sóng nhập cư của người Libya, quốc gia từng tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng khỏi ách thống trị của người Ý, và Đan Mạch đã gây bức xúc cho các nước láng giềng khi rút khỏi điều khoản tự do đi lại không cần hộ chiếu trong Hiệp định Schengen. Dường như, không phải tất cả châu Âu đều sẵn sàng chấp nhận chính người châu Âu.
Còn tiếp
Đình Ngân (theo foreignpolicy)