Cuốn sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của tác giả Lê Quang Định vừa được trao giải A, Giải thưởng Sách quốc gia được xem là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn.
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là cuốn sách hội tụ được những tiêu chí cơ bản nhất mà giải thưởng Sách đề ra cho một giải A. Cuốn sách của tác giả Lê Quang Định, được dịch giả Phan Đăng dày công dịch và chú giải, do Nhà xuất bản Thế giới và công ty cổ phần sách Thái Hà liên kết xuất bản. Năm 2005, Phan Đăng đã dịch Hoàng Việt nhất thống dư địa chí và được phát hành cho kèm phần chữ Hán.
So với ấn bản 15 năm trước, ở lần tái bản này, dịch giả Phan Đăng cố công tu chỉnh, khơi gợi, khẳng định mạch nguồn lịch sử văn hoá trong khát vọng vô bờ bến đó qua mỗi cung đường, lịch trình xuyên suốt Việt Nam. Bộ sách không chỉ góp phần nâng cao tri thức về sự phong phú, tươi đẹp của đất nước và niềm tự hào của dân tộc, thể hiện lãnh thổ, tài nguyên, vật lực, phong tục tập quán; khẳng định cương vực đã có của một quốc gia độc lập và tự chủ.
Công trình Hoàng Việt nhất thống dư địa chí được nhận định là tác phẩm mang tính xã hội rộng rãi, sâu sắc, tác phẩm cũng có tính thực tiễn cao khẳng định ý chí thống nhất quốc gia của dân tộc ta từ đầu thế kỷ XIX đến ngày nay. Cùng với sự kỳ công trong in ấn, kỹ thuật cao, cuốn sách đạt điểm gần như tuyệt đối và được Ban giám khảo đề cử trao giải A.
Bộ sách được viết từ rất sớm, khi Hoàng đế Gia Long vừa lên ngôi và đang trong thời gian tổ chức và ổn định triều chính sau mấy thế kỷ nhân dân phải trải qua nạn binh đao, cát cứ. Mặt khác, diện mạo đất nước đương thời đã hoàn toàn đổi khác, biên cương được mở rộng phía Bắc từ Tuyên - Lạng, phía Nam đến Hà Tiên.
Hoàng Việt nhất thống dư địa chí vừa là một thư tịch chính thống nhằm khẳng định cương vực của quốc gia, vừa tỏ rõ ý thức độc lập, văn hiến của một dân tộc tự cường vào đầu thế kỷ XIX. Bộ sách vẽ nên bức tranh khá toàn diện về hình thể đất nước, đồng thời, giúp cho người đi đường, người thi hành công vụ, quan lại địa phương hiểu rõ hơn về từng địa danh, vùng đất.
Sự ra đời của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có ý nghĩa rất lớn đối với công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng triều đại của nhà Nguyễn. Lãnh thổ dài rộng từ Nam chí Bắc được chép trong đó là một biểu thị về sự hùng mạnh của Việt Nam vào đầu thế kỷ đó.
Mặt khác, kế thừa những công trình địa chí có từ trước, bộ sách này tiếp tục làm nổi bật hình ảnh một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, một dân tộc bất khuất, hào hùng trong công cuộc giữ nước và dựng nước.
Ưu điểm nổi bật của Hoàng Việt nhất thống dư địa chí chính là việc mô tả một cách chính xác về đường đi, các dịch trạm, địa danh, sông núi, khe suối, ngòi rạch, về cửa biển, kèm theo lời tường giải rất cụ thể về mặt mạnh mặt yếu, chỗ hiểm chỗ thuận lợi của từng địa phương.
Bộ sách được sắp xếp thành ba phần chính. Phần 1 ngoài mục lục còn có phụ chép hai phần: Lộ trình từ kinh sư đến các dinh trấn và Thời gian đi đường giữa các dinh trấn. Phần 2 là phần dịch lộ, chép phần đường trạm, tức là đường chính từ kinh đô Huế đến các dinh trấn, gồm cả đường bộ lẫn đường thủy. Phần 3 là phần Thực lục, ghi chép về đường bộ và đường thủy ở các dinh trấn.
Theo chia sẻ của dịch giả Phan Đăng, do đây là tác phẩm địa chí nên có rất nhiều từ địa danh, nhân danh, tên gọi các thổ sản, vừa chữ Hán vừa chữ Nôm nên khá khó khăn trong dịch thuật. Bộ sách được dịch giúp bạn đọc tiếp cận thêm nguồn tư liệu quý về triều Nguyễn.