Ngày 4/10/2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trở thành cơ sở sản phụ khoa công lập đầu tiên của Việt Nam thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai (can thiệp trong buồng tử cung) - phẫu thuật khó nhất trong sản khoa.

Đến nay, sau 1 năm, số trường hợp được can thiệp thành công tại đơn vị này lên tới trên 50 ca. Gần nửa trong số đó đã chào đời khỏe mạnh, những em bé còn lại đang tiếp tục được theo dõi cho đến khi ra đời. PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện cho hay: “Thành công trên chỉ là con số mở đầu, vì chỉ định can thiệp bào thai tại Việt Nam có thể lên đến vài nghìn ca một năm”.

Can thiệp bào thai là phương án được đưa ra khi thai nhi mắc một số bệnh lý. Những thai nhi này nếu không được chữa trị kịp thời có thể tử vong ngay trong bụng mẹ hoặc khi ra đời sẽ mang những di chứng nặng nề về sức khỏe, thậm chí tàn phế.

Đa số ca can thiệp trong buồng tử cung đã được đơn vị thực hiện là trường hợp thai mắc hội chứng truyền máu song thai, dải xơ buồng ối hoặc hết ối. Đặc biệt, những ca hết ối trước nay luôn khiến bác sĩ “bó tay”, bắt buộc huỷ thai, nhưng nhờ can thiệp bào thai, các trường hợp này đã được cứu sống.

{keywords}
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

Hơn 1 năm cùng cộng sự trực tiếp tham gia vào các ca can thiệp buồng tử cung, với PGS Ánh, ca bệnh khó nhất là trường hợp sản phụ Trần Thị V.A., 21 tuổi, quê Phú Thọ. Chị A. bị vỡ tử cung ở tuần thai thứ 25. Em bé lúc này chỉ nặng 600g, ối đã cạn. Đây là trường hợp tối cấp cứu, bởi không chỉ em bé gặp nguy hiểm, người mẹ cũng có thể tử vong trong thời gian ngắn. 

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ lập tức can thiệp truyền ối, điều trị giảm co, kiểm soát nhiễm trùng. Hàng tháng trời, bác sĩ Ánh cùng các cộng sự theo sát diễn biến thai phụ từng giờ, từng phút. Em bé an toàn trưởng thành đến tuần thai 31, nặng 1,5kg. Lúc này, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Trẻ chào đời khỏe mạnh, hồng hào, khóc tốt, có thể phát triển bình thường. Trường hợp trên có thể được coi là “kỳ tích”, bởi các ca tương tự khó có thể cứu được cả thai và mẹ.

PGS Ánh chia sẻ, can thiệp bào thai là kỹ thuật phẫu thuật khó nhất trong sản khoa, yêu cầu độ chính xác, tỉ mỉ, kiên trì cao do bào thai rất nhỏ, mong manh. Ở giai đoạn có thể can thiệp, các em bé chỉ nặng từ 100-800g. Đó là áp lực rất lớn với bác sĩ thực hiện, bởi nếu không làm chủ kỹ thuật, “sai một ly” có thể “đi một dặm”, thai sẽ không thể sống. “Đôi khi, chúng tôi phải đứng rất lâu trong ca mổ, bởi đa số trường hợp cần kiên nhẫn chờ đợi tới khi thai nằm yên mới có thể can thiệp”, ông Ánh cho hay.

Khó khăn khác đến từ tính cấp cứu cao của các ca cần can thiệp. Thông thường, nếu không kịp thời phát hiện và xử lý, em bé sẽ khó cứu, hoặc may mắn sống cũng sẽ tổn thương não, tổn thương tim,… trở thành người mang gánh nặng bệnh tật sau này.

{keywords}
Bác sĩ Ánh cùng các cộng sự thực hiện một ca can thiệp bào thai

Không giống những ca mổ thông thường, sau phẫu thuật can thiệp bào thai, các bác sĩ tiếp tục có chặng đường theo dõi thai nhi tới khi an toàn chào đời. Trong “chặng đường ấy”, bác sĩ phải sát sao từng giờ, từng phút, tiếp tục can thiệp ngay khi có diễn biến xấu.

Là một trong những người tiên phong làm chủ kỹ thuật khó nói trên, bác sĩ Ánh chia sẻ, niềm vui lớn nhất ông và các cộng sự nhận được là hạnh phúc của các gia đình đang tuyệt vọng.

“Nhiều đứa trẻ gần như là cơ hội duy nhất của gia đình, bởi người mẹ vỡ tử cung sẽ không thể tiếp tục mang thai, hay một số cha mẹ hiếm muộn, tuổi cao cũng rất khó để có thai lại. Nhìn những thai nhi từng bi đe dọa tính mạng được sinh ra khỏe mạnh, bụ bẫm và sự rạng rỡ của gia đình các cháu, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc”, PSG Ánh nói.

Dù phẫu thuật can thiệp bào thai tại Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, ông Ánh vẫn trăn trở việc làm thế nào để tiếp cận với các thành tựu tiên tiến hơn trên thế giới trong kỹ thuật này. Hiện nay, nhiều quốc gia đã thực hiện thành công các can thiệp vào não, tim, thận,… của bào thai.

Bác sĩ Ánh cho biết, ông và các cộng sự đang lên kế hoạch cụ thể cho việc tiếp cận những can thiệp mang tính chất chuyên sâu này.  Đây là điều cần thiết trong điều kiện hiện tại, khi nước ta có rất nhiều thai phụ cần sự hỗ trợ của can thiệp bào thai mỗi năm.

Nguyễn Liên

Người phụ nữ có khối u hơn 3kg trong lồng ngực

Người phụ nữ có khối u hơn 3kg trong lồng ngực

Khối u nằm trong vùng trung thất, đã chèn ép lâu ngày gây mất chức năng một thùy phổi của bệnh nhân.