Chị Lê Thị Hằng ở quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, vào ngày 26/1 (tức 24/12 âm lịch) chị mua vé máy bay từ TP.HCM về Thanh Hoá đúng vào dịp cao điểm Tết cho 2 mẹ con chưa đến 7 triệu đồng một chiều, ai ngờ sau Tết giá vé tăng quá cao khiến chị không kịp trở tay.
Sau Tết, chị Hằng đặt vé từ Thanh Hoá trở lại TP.HCM vào ngày 6 và ngày 7/2 thì các hãng thông báo không còn vé.
Chị Hằng đành phải đặt vé từ Hà Nội vào TP.HCM, nhưng khi đặt giá vé lại cao ngất ngưởng, từ 8 đến gần 10 triệu đồng/ người một chiều.
Khách làm thủ tục hàng không tại sân bay Nội Bài |
“Giá vé cao điểm trước và sau Tết chênh lệch quá cao khiến chúng tôi không kịp trở tay để trở lại TP.HCM làm việc”, chị Hằng nói.
Cùng cảnh như chị Hằng, anh Lê Văn Du ở quận 12 (TP.HCM) chia sẻ, trước Tết cũng trong dịp cao điểm anh mua vé máy bay cho 4 người từ TP.HCM về Hà Nội chưa đến 18 triệu đồng. Ai ngờ sau Tết khi trở lại TP.HCM trong các ngày 6 đến 8/2 giá vé tăng phi mã. Bốn người trong gia đình anh phải mất gần 40 triệu tiền vé máy bay.
“Vẫn biết ngày lễ Tết giá vé cao, nhưng cao gấp 3-4 lần so với cao điểm trước Tết thì ít ai ngờ tới. Trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, việc phải bỏ ra chi phí lớn để mua vé máy bay trở lại TP.HCM thực sự là quá khó khăn, không chỉ với riêng gia đình tôi”, anh Du nói.
Theo ý kiến của chuyên gia hàng không, trước Tết giá vé máy bay ở mức khá thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với những năm trước. Điều này bắt nguồn từ việc người dân còn e ngại dịch bệnh và hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, sự sôi động của TP.HCM và nhiều điểm du lịch phía Nam vào những ngày Tết cũng như đầu năm mới khiến nhiều người thay đổi kế hoạch du xuân của mình.
Thay vì ở nhà hoặc lựa chọn những điểm du lịch gần, họ đặt vé bay vào miền Nam với mong muốn tận hưởng không khí nắng ấm sau những đợt rét ở phía Bắc.
Việc người dân ồ ạt đặt vé máy bay từ Hà Nội vào TP.HCM trong những ngày đầu năm mới là lí do chính đẩy giá vé máy bay lên cao như hiện nay.
Giá vé tăng cao do số chuyến bay được cấp phép chưa tương xứng
Chị Lê Thị Thu, chủ đại lý bán vé máy bay ở TP.HCM cho biết, trước ngày 26/1 (24/12 âm lịch) giá vé từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung và miền Bắc cao nhất chỉ 3,5 triệu, nhưng sau khi Bộ Y tế bỏ quy định xét nghiệm y tế hành khách đi máy bay với trẻ nhỏ thì giá vé tăng cao do khách có nhu cầu đi lại lớn.
Sau Tết, từ mùng 4 đến mùng 8/2 (tức ngày 4/1 đến ngày 8/1 âm lịch) giá vé từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc trở lại TP.HCM cũng tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 - 4 lần so với thời điểm chưa bỏ quy định nới lỏng kiểm soát y tế.
Dù giá vé tăng cao, nhưng nhiều đường bay như: Đà Nẵng/Huế/Thanh Hoá đi TP.HCM của các hãng bay không còn vé bán do số lượng chuyến bay bị hạn chế.
Theo các hãng hàng không, việc giá vé máy bay tăng cao so với trước Tết là do việc duyệt cấp slot của Cục Hàng không Việt Nam cho các hãng giảm xuống so với mọi năm.
Sau Tết lượng khách di chuyển vào TP.HCM quá cao, trong bối cảnh điều kiện kiểm soát y tế thông thoáng hơn, khách đi máy bay đông hơn nhưng số lượng chuyến bay bị hạn chế, vé giá rẻ không còn nên khách phải mua với giá cao.
Đại diện một hãng hàng không trong nước cho biết, dù giá vé tăng cao nhưng do cao điểm trước và sau Tết lượng khách chỉ một chiều (trước Tết từ TP.HCM tăng cao, sau Tết chỉ chiều vào TP.HCM đông khách), chiều ngược lại bay rỗng nên giá vé tăng cao để bù cho chiều rỗng.
“Hàng không bay rỗng một chiều là kinh doanh không có lãi, nên để bù đắp chi phí thì giá vé ngày Tết thường cao hơn so với bình thường. Tuy nhiên với lượng slot được cấp hạn chế trong điều kiện khách đi lại tăng cao nên giá vé cao hơn so với mọi năm”, đại diện một hãng hàng không cho biết.
Tăng slot, bay đêm - giá vé máy bay hạ nhiệt
Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng bay tập trung nguồn lực về tàu bay, tổ bay để tăng chuyến trên các đường bay từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.
Cụ thể, từ ngày 7 đến 10/2, các hãng dự kiến tăng 251 chuyến. Một số chặng bay tăng cao như Hà Nội - TP.HCM tăng 48 chuyến, Đà Nẵng - TP.HCM tăng 43 chuyến, Hải phòng - TP.HCM tăng 26 chuyến, Huế - TP.HCM tăng 25 chuyến; Chu Lai - TP.HCM tăng 27 chuyến; Thanh Hóa và Vinh – TP.HCM đều tăng 23 chuyến.
Ngoài số chuyến bay tăng trên, các chuyến bay thường lệ và tăng chuyến đã được cấp phép trong 4 ngày nêu trên đạt 3.180 chuyến, cung ứng hơn 667.000 ghế.
Vietnam Airlines Group lên kế hoạch tăng thêm gần 200 chuyến bay từ 7/2 đến 10/2 , tập trung trên 14 đường bay nội địa đông khách, gồm giữa TP.HCM và Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Quảng Nam, Đồng Hới, Quy Nhơn, Đà Lạt, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Cam Ranh, Tuy Hòa..
Khách đi máy bay tăng cao, các hãng tăng chuyến phục vụ Tết |
Bamboo Airways cũng tăng tần suất bay đêm với các chặng bay Hà Nội/Đà Nẵng/Hải Phòng - TP.HCM để đáp ứng nhu cầu di chuyển tăng cao đột biến của hành khách sau Tết. Cụ thể, tăng 8 chuyến bay Hà Nội - TP.HCM từ ngày 8/2 đến 16/2, tăng 6 chuyến Đà Nẵng - TP.HCM. 7 chuyến từ Hải Phòng - TP.HCM.
Đại diện Bamboo Airways cho biết, lịch khai thác tăng cường sẽ tiếp tục được điều chỉnh và có thể kéo dài thêm để đáp ứng nhu cầu di chuyển của hành khách và trong khả năng được các cơ quan chức năng cấp phép.
Việc các hãng được cấp phép tăng thêm chuyến bay đã góp phần kéo giá vé máy bay về mức bình thường. Ghi nhận trên trang web bán vé máy bay trực tuyến cho thấy từ ngày 10/2 giá vé từ Hà Nội đi TP.HCM của Vietnam Airlines và Vietjet chỉ dao động từ 2,3 đến 2,8 triệu đồng/ người/lượt...
Hơn 101 nghìn khách qua Tân Sơn Nhất ngày mùng 6 Tết
Ngày cuối kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, dự kiến khách qua Tân Sơn Nhất hơn 101 nghìn khách, trong đó khách đến TP.HCM đạt 70 nghìn khách.
Vũ Điệp