Bên cạnh những bước phát triển thần tốc của lĩnh vực điện tử với các sản phẩm công nghệ thời thượng như điện thoại thông minh, máy tính bảng, chip, chất bán dẫn… đất nước này đang thu hút cả thế giới bởi làn sóng văn hóa giải trí với các siêu phẩm âm nhạc, phim ảnh nổi đình đám, làm mưa làm gió ở nhiều nơi, lan rộng khắp châu Á, thậm chí ở Mỹ và châu Âu.
Làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc nổi lên từ giữa thập kỷ 1990, bùng nổ mạnh mẽ từ đầu thế kỷ XXI đến nay vẫn tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ khắp nơi với số lượng người hâm mộ trên toàn thế giới gia tăng nhanh chóng.
Ngành văn hóa là quyền lực mềm, có sức mạnh ghê gớm, không chỉ quảng bá hình ảnh tích cực về đất nước, con người Hàn Quốc mà còn thúc đẩy thương mại và du lịch, mỗi năm tạo thêm hàng trăm ngàn việc làm, hàng tỷ USD cho đất nước.
Năm 2021, ngành này tạo thêm 160.000 việc làm, chiếm gần 20% tổng số lượng việc làm mới tại Hàn Quốc, làm giảm sự phụ thuộc vào các ngành nghề truyền thống và thúc đẩy một nền kinh tế sôi động và đa dạng hơn. Trong vòng 5 năm kể từ năm 2017, làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc đã góp phần tạo ra hiệu quả kinh tế lên tới 28,4 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu nội dung văn hóa Hàn Quốc năm 2020 là 10,8 tỷ USD, năm 2021 đạt mức cao kỷ lục là 12,4 tỷ USD, vượt xa một số ngành công nghiệp khác như đồ gia dụng, pin sạc, xe điện hay màn hình...
Giờ đây, Hàn Quốc đang trên hành trình chinh phục mục tiêu đầy tham vọng trở thành nhà xuất khẩu văn hóa hàng đầu toàn cầu với những bước đi quyết đoán và chi bạo tay để đảm bảo rằng thế kỷ XXI sẽ được biết đến với cái tên Thế kỷ Hàn Quốc.
Sự bùng nổ mạnh mẽ, tầm ảnh hưởng lớn của văn hóa giải trí Hàn Quốc không phải tự nhiên mà có, không phải công việc một sớm một chiều mà là kết quả của chiến lược dài hơi, tầm nhìn xa trông rộng, sự đầu tư bạo tay, bài bản, chính sách sáng suốt, đúng đắn của nhà nước được triển khai từ hàng thập kỷ trước đây.
Nhà nước “hỗ trợ nhưng không can thiệp”
Ngay từ những năm cuối thập kỷ 1980, Hàn Quốc đã nhận thấy tiềm năng của ngành văn hóa giải trí, sự kết nối với thế giới, và đã có sự đầu tư cũng như sự chuẩn bị về nhân lực nhằm phát triển ngành văn hóa giải trí. Năm 1988, Hàn Quốc đã nỗ lực to lớn đăng cai tổ chức Olympic mùa hè Seoul 1988 nhằm kết nối với thế giới, là cánh cửa để thế giới tìm đến với Seoul và Seoul vươn ra thế giới.
Đến những năm cuối thập kỷ 1990, khi khủng hoảng tài chính châu Á làm kinh tế Hàn Quốc chịu nhiều tổn thất nặng nề, tăng trưởng ở nhiều ngành công nghiệp lao dốc và nguy cơ vỡ nợ tràn lan, Chính phủ Hàn Quốc đã có “cú hích” mạnh mẽ nhằm tạo đà, đòn bẩy cho ngành văn hóa giải trí Hàn Quốc phát triển bứt phá.
Tổng thống Kim Dae-Jung nhậm chức năm 1998 nói: "Doanh số phim Công viên khủng long bằng doanh số 1,5 triệu chiếc xe hơi Hàn Quốc".
Trên tinh thần nhằm biến nguy thành cơ, đã xác định đầu tư mạnh vào ngành văn hóa giải trí, xem đó là động lực chính cho tương lai, là cỗ máy tăng trưởng, đồng thời cải thiện hình ảnh quốc gia, xây dựng thương hiệu Hàn Quốc.
Các khoản đầu tư bạo tay cùng một loạt chính sách được triển khai để thúc đẩy ngành văn hóa giải trí phát triển với phương châm tôn trọng tối đa tính sáng tạo của quần chúng, hỗ trợ nhưng không can thiệp, tập trung xây dựng cơ sở vật chất thuận lợi và tạo không gian rộng lớn cho hoạt động sáng tạo nội dung văn hóa, như hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực chuyên môn, xây dựng chế độ bản quyền nghiêm ngặt, chế độ kiểm duyệt thông thoáng,...
Thực tế, cơ sở vật chất và công nghệ để phục vụ quảng bá văn hóa giải trí được đầu tư mạnh tay kể từ thập niên 1990, rất nhiều sân khấu biểu diễn được xây dựng, công nghệ hologram cũng được nghiên cứu và sử dụng phổ biến, tất cả những nơi công cộng ở Seoul đều có wifi miễn phí, khu Changdong ở Seoul được phát triển thành điểm đến văn hóa lớn cho hoạt động du lịch K-pop.
Chính phủ Hàn Quốc thiết lập hệ thống phát sóng mang tính thương mại và xây dựng "Đạo luật quảng bá phim năm 1995", "Luật cơ bản về xúc tiến công nghiệp văn hóa" năm 1999 và phân bổ ngân sách 148,5 triệu USD cho dự án này. Luật đã tạo điều kiện để Chính phủ hỗ trợ ngành văn hóa, thực hiện giảm thuế, tăng trợ cấp và hỗ trợ pháp lý.
Đặc biệt, Hàn Quốc đã có nhiều động thái quyết liệt để tạo môi trường thuận lợi, không gian rộng lớn cho sự sáng tạo để cho “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”. Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã cấm lệnh kiểm duyệt và mở ra một loạt các chủ đề độc đáo để nghệ sĩ tự do khám phá. Động thái này mang đến những cơ hội cho thế hệ trẻ để thể hiện các ý tưởng mới và táo bạo hơn thông qua điện ảnh và âm nhạc.
Cùng với đó, các tổ chức như Cục nội dung sáng tạo và Hội đồng phim quốc gia được thành lập để quảng bá văn hóa sang các nước khác. Cục nội dung sáng tạo cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho các nghệ sĩ, doanh nghiệp trong ngành văn hóa giải trí Hàn Quốc.
Kể từ khi Tổng thống Park Geun-hye nhậm chức đầu năm 2013, ngành văn hóa giải trí Hàn Quốc nhận được sự đầu tư bạo tay hơn, một quỹ đầu tư trị giá 1 tỷ USD được thiết lập để phát triển và nuôi dưỡng ngành văn hóa giải trí Hàn Quốc.
Năm 2014, 1% ngân sách được phân bổ cho ngành văn hóa giải trí. Ngân sách năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Chính phủ Hàn Quốc thông qua là 7 tỷ USD, tăng 280 triệu USD so với năm 2021. Năm 2023, ngân sách dự định tăng thêm hơn 622 triệu USD so với năm 2022 để đầu tư, hỗ trợ các công ty vừa và nhỏ, công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp mạo hiểm trong ngành công nghiệp nội dung nhằm tăng xuất khẩu nội dung văn hóa Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc cũng thành lập hàng loạt Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu, cũng như tổ chức các chương trình trao đổi sinh viên, các lễ hội văn hóa, biểu diễn văn nghệ ở nước ngoài làm công cụ để xây dựng cầu nối và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc ở nước ngoài.
Đứng trên vai người khổng lồ để tiến ra toàn cầu
Giống như đã từng học Nhật Bản và Mỹ để phát triển năng lực sản xuất, làm chủ các công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn, bí quyết này một lần nữa được Hàn Quốc sử dụng để đưa văn hóa giải trí Hàn Quốc tiến ra toàn cầu, chinh phục thế giới.
Ngay từ cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990 để chuẩn bị nhân lực chuyên môn cho ngành văn hóa giải trí, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyển chọn và cử hàng trăm sinh viên ưu tú tuổi từ 18 - 25 sang Kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood để học, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang, đạo cụ... và hàng trăm sinh viên ưu tú được cử đến các kinh đô thời trang thế giới như Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm bằng ngân sách nhà nước.
Việc tiếp xúc với tư tưởng mới từ Mỹ và thế giới, được học từ những người thầy giỏi nhất đã khai thông tư tưởng cho các nhà làm phim, thổi luồng gió tươi trẻ vào điện ảnh. Họ mang theo quan điểm mới về kinh doanh, sự tinh tế và cách diễn giải mới đối với nghệ thuật, điện ảnh và âm nhạc cũng như các hình thức biểu đạt sáng tạo.
Điều này đã tạo ra một đội ngũ nhân tài mới, trẻ tuổi và có trình độ cao sẵn sàng đón nhận, nắm bắt các cơ hội rất rộng mở ở Hàn Quốc. Họ đã nghiên cứu Hollywood cùng những trung tâm giải trí khác trên thế giới trong nhiều năm, sau đó áp dụng và cải tiến bằng cách thêm vào những gia vị đặc trưng từ đất nước Hàn Quốc.
Kết quả là vào đầu thập kỷ 1990 là sự ra đời của những bộ phim Hàn Quốc “chất hơn nước cất”, thuộc diện “phim nước người ta” không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà cả nước ngoài mở đầu cho làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc xâm nhập mạnh mẽ vào các nước.
“Tình yêu là gì?” là một trong những phim truyền hình Hàn Quốc được phát sóng trên đài CCTV Trung Quốc năm 1997 đặt dấu ấn với tỷ lệ người xem 4,2%, nghĩa là trên 150 triệu khán giả Trung Quốc đã xem bộ phim này. Tháng 11/1999, Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh đã xuất bản một bài báo công nhận “Sự nhiệt tình của khán giả Trung Quốc đối với các bộ phim truyền hình và bài hát của Kpop Hàn Quốc”. Tiếp đến là các bộ phim như Trái tim mùa thu (2000), Cô nàng ngổ ngáo (2001), Bản tình ca mùa đông (2002),… được công chiếu và gây sốt tại nhiều nơi như Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Hongkong, Trung Quốc và Việt Nam.
Tài năng và sức hút của các ngôi sao, thần tượng
Sự lan rộng và phát triển mạnh mẽ của làn sóng văn hóa giải trí Hàn Quốc không thể không kể đến tài năng, sức hút của các ngôi sao, thần tượng trong làng giải trí nước này. Họ chính là những người mang hình ảnh Hàn Quốc đến gần hơn với các khán giả quốc tế.
Họ phải trải qua quá trình tuyển chọn, luyện tập rất khắt khe và khắc nghiệt trong thời gian dài thường là “dưới trướng” các công ty giải trí, điển hình nhất là bốn “ông lớn” gồm YG Entertainment chủ quản của các nhóm nhạc BigBang, BlackPink...; JYP Entertainment sở hữu các nhóm nhạc như Twice, 2PM...; SM Entertaiment - công ty với các thần tượng hàng đầu qua các thời kỳ như TVXQ, Super Junior, SNSD, EXO…; Hype - công ty chủ quản của nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu BTS.
Các công ty giải trí dành nhiều thời gian và tiền bạc để tạo ra những ngôi sao hoàn hảo, liên tục tìm kiếm, tuyển chọn các tài năng trẻ tiềm năng làm thực tập sinh, đào tạo và xây dựng với lộ trình bài bản để biến họ thành “ngôi sao”, xây dựng thần tượng. Các thực tập sinh trải qua quá trình luyện tập nhiều năm, từ ca hát, nhảy múa, ngôn ngữ...
Họ cần có một ngoại hình đẹp, chất giọng tốt, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt, cần có khả năng lay động, an ủi trái tim của mọi người. Tùy theo tài năng, phẩm chất để thiết lập thành nhóm. Mỗi nhóm cần một thành viên thật đẹp trai/xinh gái dễ thương để làm khuôn mặt của cả nhóm, nhằm thu hút sự chú ý của khán giả. Khi đã đạt được sự kết hợp hoàn hảo giữa các thành viên, họ tiếp tục chọn theo chủ đề, phong cách, mỗi nhóm cần tạo cho mình một hình ảnh cốt lõi.
Tóm lại, sự “bùng nổ” của văn hóa giải trí Hàn Quốc là kết quả của một quá trình với sự kết hợp của ba yếu tố cốt lõi. Thứ nhất, chiến lược dài hơi cùng chính sách sáng suốt đúng đắn phù hợp với bối cảnh và điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn của nhà nước. Hai là, tinh thần “tầm sư học đạo”, biết đứng trên vai người khổng lồ để tiến ra toàn của người Hàn Quốc. Ba là, tài năng và sức hút của các ngôi sao, thần tượng làng giải trí Hàn Quốc.
Cây có cội suối có nguồn, mọi thứ đều có nguyên nhân sâu xa của nó, là cả một quá trình không phải một sớm một chiều. Đã đến lúc chúng ta cần đánh giá nghiêm túc, thẳng thắn, trung thực để biết ngành văn hóa giải trí của ta đang ở đâu, ta muốn đi tới đâu trong thế giới này.
Từ đó, đề ra chiến lược dài hơi, phát huy tinh thần “tầm sư học đạo”, biết đứng trên vai người khổng lồ cùng với xây dựng đội ngũ chuyên môn, đào tạo các ngôi sao, thần tượng một cách bài bản để bước lên “sân khấu toàn cầu” với những siêu phẩm văn hóa giải trí đẳng cấp thế giới xứng tầm với một đất nước có lịch sử ngàn năm văn hiến.
Phạm Mạnh Hùng