Tại họp báo Chính phủ chiều tối nay (4/7), báo chí đặt vấn đề tại phiên họp trước, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã thông tin về việc trong tháng 6 sẽ đẩy nhanh việc hoàn thành giải ngân tiền thuê trọ cho người lao động, vậy kết quả của việc thực hiện chính sách này như thế nào.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho biết, tính đến ngày 4/7, theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng, tại 45 địa phương.
Đồng thời, các địa phương cũng đã phê duyệt hồ sơ cho 280.954 lao động với tổng kinh phí 209 tỷ đồng tại 38 địa phương và đã có 15 địa phương thực hiện giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí là hơn 70 tỷ đồng.
Thứ trưởng Thanh cho biết, các địa phương hiện nay đang tập trung vào việc giải ngân khoản tiền hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động. Trong tháng 7, bộ sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương để đẩy nhanh việc này. Theo quy định, chậm nhất là 15/8, hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động.
Thứ trưởng Thanh thừa nhận, so với khoản tiền cần phải giải ngân hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động thì tỉ lệ đã giải ngân được còn rất thấp. Ông lý giải, việc thấp do nhiều địa phương chờ quyết định 791 về nguồn kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số địa phương “sợ sai” nên yêu cầu thêm các xác nhận.
"Trong yêu cầu chỉ cần xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi yêu cầu cả xác nhận của chính quyền địa phương, xã, phường", ông Thanh nói và cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về thực hiện các thủ tục. Ngoài ra, theo ông Thanh, một số doanh nghiệp "sợ sai" nên khi lập danh sách và nộp BHXH còn chậm.
Bộ LĐ-TB&XH đã có yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện việc lập và nộp danh sách. Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị tổ chức Công đoàn phối hợp đẩy mạnh, đôn đốc các doanh nghiệp lập danh sách để phê duyệt.
Thứ trưởng Thanh cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương giải ngân tiền thuê trọ cho người lao động.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ngày 3/7 đã ký quyết định về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Quyết định nêu rõ trường hợp nhu cầu kinh phí của các địa phương vượt quá số liệu đã rà soát, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH thì phải dùng ngân sách địa phương và nguồn lực hợp pháp khác. Địa phương khó khăn, không đủ nguồn lực thì báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng xem xét.
Bộ LĐ-TB&XH được giao hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương, đảm bảo không vượt quá 6.600 tỷ đồng nguồn ngân sách Trung ương.
Cuối tháng 3, Chính phủ ban hành quyết định 08 về thực hiện chính sách hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà cho 3,4 triệu người lao động. Hai nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, đang làm việc trong doanh nghiệp và người quay lại thị trường lao động, làm tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế, 24 tỉnh thành thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm.
Người lao động thuê trọ sẽ nhận được hỗ trợ từ 500.000 đến một triệu đồng mỗi tháng, tối đa 3 tháng. Thời gian triển khai chính sách từ 1/4 đến hết 15/8.
Hỗ trợ tiền nhà trọ: Doanh nghiệp e ngại lao động trục lợi nên tự đặt thêm quy định
Lao động ở trọ nhận hỗ trợ ít nhất 1,5 triệu đồng
Hai đối tượng sẽ được nhận hỗ trợ là người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và người lao động quay trở lại thị trường lao động, với mức 500.000 đồng và 1 triệu đồng/tháng.
Đề xuất hỗ trợ 1 triệu đồng với người lao động thuê nhà ở trọ
Bộ LĐTB&XH đề xuất, người lao động đang làm việc hoặc trở lại tham gia thị trường lao động phải thuê nhà được đề xuất hỗ trợ 500 nghìn đến 1 triệu đồng cho mỗi người trong tối đa 3 tháng.