Nỗi ám ảnh của những đứa trẻ
Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Chi - chuyên gia tâm lý - Viện Tâm lý học Nhân văn kể, trong quá trình công tác, chị gặp không ít người có hoàn cảnh éo le khi tuổi thơ phải sống trong một gia đình không hạnh phúc. Nhân vật khiến chị nhớ mãi đó là T. - một phụ nữ từng nhiều lần ly hôn.
T. từng chứng kiến bố ngoại tình. Ngay cả khi mẹ đang mang bầu em gái của T., bố cô vẫn ra ngoài với người đàn bà khác. Sau này bố mẹ ly hôn, T. cũng bị tách ra khỏi nhà nội, không gặp lại bố. Chính trải nghiệm tuổi thơ ấy khiến T. luôn cảm thấy sợ hãi.
Khi kết hôn, cô chọn một người chồng yếu kém hơn mình về mọi mặt. Cô không muốn đi lại vết xe đổ của mẹ, chịu tổn thương vì lấy người chồng quá giỏi giang, bao phụ nữ vây quanh. Và đó là lý do T. ly hôn nhiều lần vì những người cô kết hôn đều không phải đối tượng ưng ý.
Câu chuyện trên cho thấy, do sống trong môi trường không lành mạnh, chứng kiến cha mẹ ngoại tình, bạo lực và ly hôn T. đã chịu những “đòn” tâm lý nặng nề, ảnh hưởng tới tương lai.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, cha mẹ sống không chân tình, bạo hành lẫn nhau, trẻ sẽ có cảm giác không an toàn. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của trẻ, làm giảm sức mạnh của con trẻ.
Chính những đứa trẻ ấy cũng không thể kết nối được với bố mẹ mình, gây ra cảm giác oán hận, thù ghét bố mẹ.
“Khi con cái chứng kiến bố đối xử tệ với mẹ, khó tránh việc chúng sẽ có cảm giác ghét bỏ người bố của mình và ngược lại. Từ môi trường như vậy, cha mẹ đã tạo ra những đứa trẻ dễ nổi nóng, không tương tác với xã hội thậm chí có thái độ chống đối, co cụm.
Tương lai, con trẻ rất khó thiết lập các mối quan hệ tốt đẹp, sẽ khó khăn trong công việc, sức sống của những đứa trẻ này cũng sẽ yếu dần. 'Hạt mầm' đã yếu thì sẽ khó phát triển thành một cái cây vững chắc”, chuyên gia chia sẻ.
Cùng với những việc này là niềm tin trong chính những đứa trẻ đó đã mất. Chúng có suy nghĩ tiêu cực về hôn nhân, về người vợ, người chồng của mình khi trưởng thành.
Nhiều người luôn hoài nghi rằng sẽ không có người chồng, người vợ nào thực sự chung thủy, tốt bụng với mình bởi bố mẹ mình cũng từng yêu thương nhau rồi lại đối xử với nhau như vậy.
Giúp trẻ thoát khỏi suy nghĩ tiêu cực
Theo Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Chi, giải pháp quan trọng giúp trẻ vượt qua cú sốc tinh thần khi có cha mẹ ly hôn, chính là cha mẹ phải luôn giữ mối quan hệ hòa bình, tôn trọng ngay cả khi không sống chung nhà.
Dù ly hôn hay chưa, bố mẹ cũng cần tôn trọng nhau để con cái hiểu rằng, ly hôn không phải là bố mẹ ghét bỏ nhau, không phải bố mẹ không còn yêu thương con cái nữa. Bố mẹ tôn trọng nhau là nền tảng tạo ra một đứa con tốt.
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ chọn ly hôn vì không còn phù hợp để sống chung nhưng họ vẫn giữ quan hệ tốt đẹp như bạn bè, cùng thấu hiểu con cái để chăm sóc chúng một cách tốt nhất. Điều này sẽ khiến đứa trẻ được chữa lành dần và cảm thấy bình an trong quan hệ với bố mẹ.
Chuyên gia cho rằng, không chỉ cha mẹ, xã hội, nhà trường cũng là nơi giúp trẻ hàn gắn vết thương tốt nhất.
Những nhà giáo dục có vai trò quan trọng trong việc giúp những đứa trẻ thấu hiểu được cha mẹ của mình, để chúng không rơi vào trạng thái oán trách, mất niềm tin. Khi nhận thức được cha mẹ vì hoàn cảnh nào đó mà không thể chung sống, trẻ sẽ không còn bị ảnh hưởng tâm lý.
Theo chuyên gia, nên có dự án hỗ trợ trẻ về mặt nhận thức để chữa lành, để trẻ hiểu được nỗi khổ của bố mẹ và lý do họ không thể ở được với nhau nhưng vẫn luôn dành tình yêu thương cho con cái.
“Người thân, bạn bè xung quanh không nên nói những lời đáng thương để các con luôn cảm thấy tủi thân, thiệt thòi, mất đi sức mạnh. Phải làm cách nào đó để trẻ luôn tôn trọng, thấu hiểu và biết ơn cha mẹ đã nuôi lớn mình. Đó mới là động lực để trẻ phát triển và tự tin trước cuộc sống”, nữ chuyên gia nhấn mạnh.