Xây dựng hệ thống đài truyền thanh thông minh (TTTM) nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, là bước tiến trong công cuộc chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh và cũng là giải pháp hữu hiệu đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong tình hình mới.
Huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã thử nghiệm thành công mô hình truyền thanh “bán thông minh” (kết hợp giữa TTTM với hệ thống truyền thanh truyền thống) để thực hiện giải pháp nhân rộng hệ thống TTTM, bước đầu mang lại hiệu quả, tháo gỡ khó khăn về kinh phí trong việc hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở của huyện.
Một buổi phát thanh trực tiếp trên hệ thống đài truyền thanh thông minh ở xã Yên Lương (Ý Yên). |
Huyện Ý Yên có 23 xã, thị trấn. Thực hiện Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 23/12/2021 của UBND tỉnh về phát triển thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và tình hình thực tế địa phương, đến đầu năm 2023 huyện có 2 đơn vị đầu tư xây dựng đài TTTM là Yên Lương và Yên Lộc.
Mô hình các đơn vị này áp dụng là hệ thống truyền thanh không dây (gồm các cụm loa, bộ thu thông minh công nghệ IP, máy tính, phần mềm chuyển văn bản thành giọng đọc), sử dụng Internet, đảm bảo tín hiệu âm thanh, dữ liệu hạ tầng viễn thông đáp ứng Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Theo đó chỉ cần sử dụng máy tính, điện thoại di động thông minh kích hoạt, hệ thống TTTM được truyền từ xã đến các khu dân cư với chất lượng âm thanh đảm bảo, đường truyền ổn định tới các hộ dân, thay thế và khắc phục hoàn toàn những hạn chế như: mất tín hiệu khi thời tiết xấu; thường xuyên phải sửa chữa, gia cố đường dây; cán bộ phụ trách đài phải trực phát sóng. Tuy nhiên, theo tính toán của huyện thì mô hình này có bất cập về chi phí đầu tư.
Cụ thể, chi phí cho hệ thống TTTM dao động trong khoảng từ 40-45 triệu đồng/1 cụm loa tại thôn; trong khi mỗi xã phải xây dựng từ 15-20 cụm loa thông minh, tương đương với 600-900 triệu đồng/xã. Đó là chưa kể đến kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên của đài. Với mức chi phí này nhiều địa phương khó có khả năng thực hiện được.
Để khắc phục khó khăn này, huyện Ý Yên đã nghiên cứu và đưa ra giải pháp kết hợp giữa TTTM với hệ thống truyền thanh truyền thống để giảm bớt chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo được việc đưa công nghệ thông tin thay thế con người trong việc điều khiển hệ thống, chuyển đổi văn bản thành giọng đọc...
Theo đó trên cơ sở hệ thống truyền thanh kiểu cũ, các xã, thị trấn chỉ cần đầu tư thêm thiết bị chuyển tín hiệu âm thanh từ analog sang digital; điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet, các thiết bị điện tử khác (công tắc thông minh cho phép kiểm soát trạng thái bật/tắt các thiết bị điện khác ngay trên điện thoại cũng như hẹn giờ bật/tắt cho thiết bị theo lịch trên nền tảng internet).
Thông qua hệ thống Internet điều khiển tự động các chương trình phát thanh đài của huyện, tiếp âm đài Trung ương, đài tỉnh; tự động tắt/bật hệ thống truyền thanh cơ sở theo lịch cài đặt sẵn. Với cách làm này hệ thống truyền thanh đã được chuyển đổi “thông minh” trong phạm vi Đài Phát thanh huyện và hệ thống đài truyền thanh các xã, thị trấn.
Còn hệ thống loa, dây cáp vẫn được sử dụng theo phương thức truyền thống hoặc tùy điều kiện thực tế, kinh phí của xã mới tiếp tục đầu tư. Mô hình này được một số xã trên địa bàn áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực, khắc phục những hạn chế của loa truyền thống, với mức chi phí thấp nhất.
Bên cạnh việc đầu tư hệ thống truyền thanh “bán thông minh”, nhiều xã trên địa bàn huyện đã linh hoạt đầu tư lắp đặt cụm loa lẻ ở ngay vị trí nhà văn hóa thôn, xóm để truyền tải thông tin tới người dân và tranh thủ sử dụng được mạng Internet qua các điểm phát wifi miễn phí đã được lắp đặt, tiết kiệm tối đa chi phí nhưng vẫn đảm bảo công năng của thiết bị.
Đối với những thôn, xóm có dân cư ở xa cần lắp đặt nhiều cụm loa thì mạng internet để duy trì các cụm loa đó đều được nhờ wifi của các hộ trong khu vực đó.
Cách làm này đã giúp Ý Yên nhanh chóng phổ cập hệ thống TTTM trên địa bàn với mức chi phí tiết giảm tối đa nhưng phù hợp với yêu cầu, nâng cao chất lượng tuyên truyền các chính sách pháp luật mới từ Trung ương, tỉnh, huyện đến các xã, thị trấn đặc biệt là kịp thời đối với người dân, góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số xây dựng chính quyền điện tử, đảm bảo nhu cầu tiếp cận thông tin của nguời dân và các tổ chức trên địa bàn huyện.
Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)