Theo quy định, đường giao thông phục vụ cho xe chữa cháy, cứu nạn cứu hộ phải bảo đảm chiều rộng tối thiểu 3,5m, chiều cao thông thủy tối thiểu 4,5m, mặt đường, bãi đỗ xe chữa cháy phải bảo đảm chịu được tải trọng của xe chữa cháy.
Đối với đường giao thông nhỏ hẹp chỉ đủ cho 1 làn xe chạy thì cứ ít nhất 100m phải thiết kế đoạn mở rộng để các xe có thể tránh nhau; các tuyến đường đô thị, nội đô phải bố trí các bãi đỗ xe cho các công trình cao từ 15m; các ngã ba, ngã tư phải bảo đảm góc cua cho xe chữa cháy hoạt động.
Tuy nhiên, theo thống kê của UBND TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng trên 4.500 tuyến đường, phố, ngõ, ngách, hẻm... có chiều dài hơn 200m, xe chữa cháy không thể tiếp cận được (chủ yếu tập trung tại các quận nội thành).
Khảo sát tại một số tuyến phố, ngõ, xóm, phổ biến có tình trạng làm mái che, mái vẩy vượt quá ranh giới đất cho phép, lưới điện; bục, bệ, barie hoặc các hàng quán, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiếp cận của xe chữa cháy, xe CNCH.
Bên cạnh đó, Hà Nội là địa bàn có mật độ dân cư đông đúc, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là vào giờ cao điểm và tại các tuyến phố đang thi công dẫn đến khó khăn cho công tác PCCC và CNCH.
Chỉ xây nhà 2-3 tầng trong ngõ, ngách
Sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), vấn đề chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm ở các nhà trong phố, ngõ nhỏ và nhà ống được nhiều người dân đặc biệt quan tâm.
Theo Thiếu tá Nguyễn Danh Luân - cán bộ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an), các gia đình ở những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ cần mở giếng trời, làm mái che để tránh mưa nắng.
“Việc mở giếng trời giúp tạo lối thoát nạn phụ khi lối cửa chính bị nhiễm khói lửa không thể thoát ra được. Nếu còn diện tích đất thì mở thang sắt ngoài nhà”, Thiếu tá Nguyễn Danh Luân chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân cũng cho rằng, việc tự kiểm tra an toàn PCCC đối với các hộ gia đình là rất cần thiết. Chủ căn hộ cần thường xuyên kiểm tra về hệ thống các thiết bị liên quan nguồn lửa, nhiệt, thiết bị điện để sửa chữa, thay thế các thiết bị hư hỏng.
Khi lắp đặt các thiết bị tiêu thụ điện, cần kiểm tra nguồn dây dẫn điện có chịu tải được không, như vậy sẽ giảm thiểu được nhiều vụ cháy liên quan nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện liên quan đến ngôi nhà.
“Đối với các ngôi nhà nằm sâu trong ngõ hẻm, khi xảy ra cháy, lực lượng cảnh sát PCCC khó tiếp cận chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức kỹ năng an toàn PCCC cho các thành viên trong gia đình sẽ giúp công tác phòng ngừa, hạn chế các vụ cháy, thiệt hại do cháy nổ xảy ra”, Thiếu tá Luân chia sẻ.
Đề cập tới vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô sửa đổi ngày 20/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu những lo ngại khi xây nhà cao tầng ở những ngõ, ngách quá hẹp, không đảm bảo điều kiện PCCC.
Theo Bí thư Hà Nội, vấn đề hạ tầng giao thông, chỉ có 2 - 3m trước, sau mà cho xây 6 tầng là “vô cùng bất cập”. “Phải chăng chỉ cho xây 2- 3 tầng”, ông Dũng nêu ví dụ.
“Những việc này trong tiêu chuẩn, quy chuẩn và trong quy hoạch đã có. Chúng tôi đề nghị giao cho Hà Nội quyết định những vấn đề như thế, vào những địa bàn cụ thể thì mới đảm bảo an ninh, an toàn lâu dài”, Bí thư Hà Nội nêu.