Chỉ số thành phần Xây dựng và phát triển chính quyền số, chính quyền điện tử là chỉ số thành phần thứ 7 trong Bộ chỉ số cải cách hành chính (CCHC) cấp tỉnh đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) phục vụ hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của cơ quan Nhà nước. Năm 2023, Chỉ số thành phần này của Nam Định xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố, tăng 1 bậc so với năm 2022 và là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh có tăng trưởng về chỉ số này.
Hướng dẫn người dân thanh toán trực tuyến trong giao dịch hành chính tại bộ phận một cửa xã Trực Tuấn (Trực Ninh). |
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR Index 2023) do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố thì Chỉ số thành phần Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của Nam Định đạt 12,23/13,5 điểm, cao hơn 2,1% so với năm 2022, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong chỉ số thành phần này, tỉnh đã đạt điểm tối đa ở 9/14 phần việc gồm: Đẩy mạnh phát triển các nền tảng, cơ sở dữ liệu; tỷ lệ các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước; tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng; tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp chính quyền; xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; Cổng thông tin điện tử (TTĐT) đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; thiết lập, vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); triển khai số hóa hồ sơ giải quyết TTHC; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Đây cũng là những chỉ số cơ bản mà tỉnh tập trung chỉ đạo hoàn thiện nhằm phát triển các ứng dụng dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước, các nền tảng cơ sở dữ liệu đáp ứng các dịch vụ hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Có được những kết quả nổi bật nêu trên do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác ứng dụng CNTT, CĐS, CCHC và sự “vào cuộc” tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo các cấp, góp phần hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội đề ra.
Với vai trò là đơn vị chủ trì Chỉ số thành phần Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã rà soát thực trạng triển khai của những năm trước để phát huy những kết quả tích cực và tìm giải pháp quyết liệt khắc phục những chỉ số thành phần chưa đạt điểm tối đa.
Trong đó nội dung phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước phục vụ người dân, doanh nghiệp được tập trung cao độ với việc đẩy nhanh tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, doanh nghiệp dễ dàng giải quyết các TTHC.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, các đơn vị chức năng của Bộ TT và TT để triển khai thực hiện tốt 14 chỉ tiêu được giao về chỉ số thành phần này. Nổi bật là việc ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc trong gửi nhận văn bản điện tử và giải quyết hồ sơ công việc trên môi trường mạng; vận hành Hệ thống thông tin trong giải quyết TTHC đạt hiệu quả cao với tỉ lệ số hóa hồ sơ giải quyết TTHC và dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Đặc biệt khối các địa phương đã có những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Chỉ số thành phần Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan hành chính Nhà nước; triển khai đồng bộ và có hiệu quả cao các giải pháp trong công tác quản lý điều hành, gửi nhận văn bản và giải quyết TTHC, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chỉ số của toàn tỉnh.
Trong đó huyện Xuân Trường đã đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu thành phần lĩnh vực xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đạt 98,5% số điểm tuyệt đối, tăng 34,2% so với năm 2022 và bứt phá ngoạn mục từ đứng thứ 8 lên xếp thứ 2 toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, có 5/14 chỉ tiêu của tỉnh tuy chưa đạt điểm tối đa nhưng đều cao hơn so với năm 2022, cụ thể như việc cập nhật kiến trúc chính quyền điện tử; việc đưa vào sử dụng chính thức các dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia còn hạn chế; chất lượng cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh chưa được đánh giá ở mức tuyệt đối; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình và thực hiện thanh toán trực tuyến còn thấp; triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ CĐS theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây và kết nối với Hệ thống điện toán đám mây của Chính phủ.
Với trách nhiệm của đơn vị chủ trì tham mưu triển khai thực hiện Chỉ số thành phần Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong CCHC cấp tỉnh, Sở TT và TT đã bám sát các Kế hoạch số 167/KH-UBND, 168/KH-UBND cùng ngày 29/12/2023 của UBND tỉnh về CCHC Nhà nước tỉnh năm 2024; CĐS tỉnh Nam Định năm 2024 để tổ chức triển khai nhiệm vụ được giao, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tập trung thực hiện các giải pháp để tiếp tục giữ vững thứ hạng nêu trên. Trong đó 9 chỉ số đã đạt điểm tối đa cần tiếp tục duy trì và tiếp tục nâng cấp đảm bảo tính bền vững.
Đối với 5 chỉ số chưa đạt điểm tối đa thì tập trung vào một số nhiệm vụ: Thực hiện cập nhật đầy đủ thông tin lên Cổng TTĐT của tỉnh và Trang TTĐT các sở, ngành, địa phương, đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chính xác, ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu và có chỉ dẫn rõ ràng để thuận tiện tra cứu theo quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP.
Nâng cao hiệu quả chuyên mục trao đổi, hỏi đáp đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên Cổng TTĐT tỉnh, Trang TTĐT thành phần của các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời tiếp nhận và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, các sở, ngành địa phương rà soát đăng ký dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo đúng quy định. Tăng cường tập huấn cho cán bộ phụ trách thu phí, lệ phí tại Bộ phận “một cửa” để hướng dẫn, hỗ trợ công dân, doanh nghiệp đến giải quyết TTHC thực hiện thanh toán trực tuyến tiện lợi hiệu quả. Chủ động rà soát, phối hợp với các cơ quan có các dịch vụ dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia thực hiện kết nối, chia sẻ và đưa vào sử dụng chính thức tại tỉnh.
Cập nhật kịp thời khi có sự thay đổi các nền tảng, cơ sở dữ liệu: Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh, nền tảng LGSP, nền tảng điện toán đám mây; tiếp tục phối hợp bám sát Văn phòng Chính phủ để kết nối. Bên cạnh giải pháp chuyên môn thì hàng tuần, Sở TT và TT đều có văn bản thông báo kết quả và đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành, địa phương để kịp thời chấn chỉnh và chủ động phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh cơ sở, thu hút người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Những giải pháp đồng bộ thể hiện quyết tâm hành động của Sở TT và TT cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục duy trì và tăng hạng Chỉ số Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm mang lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, nâng cao thứ hạng CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Theo Nguyễn Hương (Báo Nam Định)