Các luật sư của Donald Trump vừa gửi một lá thư tới người quản lý tạm thời của Giải Pulitzer, cảnh báo sẽ có "hành động pháp lý tức thì" nếu các giải thưởng năm 2018 dành cho The New York Times và The Washington Post không bị hủy bỏ.
Hội đồng Quản lý giải Pulitzer vừa công bố mở rộng cho các tác giả, biên kịch và nhà sáng tác không có quốc tịch Mỹ.
Phần lớn giải thưởng về sách, chính kịch, âm nhạc chỉ xem xét các tác giả có quốc tịch Mỹ nhưng bắt đầu từ năm 2025, Hội đồng sẽ xem xét những tác phẩm của tác giả là người cư trú lâu năm hoặc cư trú vĩnh viễn ở Mỹ.
Các giải thưởng về báo chí sẽ mở cửa cho mọi quốc tịch, miễn là tác phẩm của họ được xuất bản bởi kênh truyền thông Mỹ. Song ngoài giải lịch sử, các hạng mục văn học, âm nhạc và chính kịch đều chỉ giới hạn cho công dân Mỹ.
Đây được xem là bước tiến lớn cho giải Pulitzer. Cha đẻ của giải là Nhà xuất bản báo chí Joseph Pulitzer, vốn là người nhập cư gốc Hungary, nhấn mạnh rằng mục đích của giải là tôn vinh những tác phẩm đậm chất Mỹ.
Theo Marjorie Miller - người quản trị giải, Hội đồng Quản lý giải bắt đầu xem xét vấn đề này từ tháng 12/2022, khi Ban giám khảo của hạng mục Hồi ký đưa ra quan ngại rằng yêu cầu về quốc tịch đã bỏ qua một phần quan trọng của văn hóa Mỹ. Họ đã đồng ý thay đổi tiêu chí sau khi nhận được đề xuất.
“Đây là minh chứng cho ‘tính Mỹ’ của tác phẩm, thay vì tập trung vào tác giả. Bạn có thể là người Mỹ và viết một quyển sách, vở kịch hoặc đoạn nhạc mang đậm tính Mỹ mà không có quốc tịch Mỹ", Miller cho biết.
Hội đồng Quản lý không đề ra yêu cầu về thời gian cư trú mà để các tác giả và nhà xuất bản tự quyết định. “Tôi nghĩ nó được định nghĩa bằng nội tâm của chính tác giả: Bạn có xem Mỹ là ngôi nhà mãi mãi của mình và tác phẩm này có mang tính Mỹ qua lăng kính nào không?”, Miller nói.
Quyết định này được tung hô bởi các nghệ sĩ đã đấu tranh để tiêu chí giải thưởng được mở rộng. Tác giả của hồi ký The Man Who Could Move Clouds (Người đàn ông dẫn mây) đã vào chung kết Pulitzer năm nay - Ingrid Rojas Contreras chia sẻ: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu nhìn nhận văn học về nhập cư là văn học Mỹ đích thực. Những giải này có vai trò rất lớn trong việc chắt lọc văn chương sẽ đọc ở tương lai”.
Tháng 8 năm ngoái, một nhóm hơn 300 tác giả đã đăng một lá thư mở cho hội đồng Pulitzer, yêu cầu các giải được mở rộng cho những tác giả nhập cư và cư dân không giấy tờ.
“Cho dù các nhà văn này có viết về biên giới hay không, ngòi bút của họ là một phần thiết yếu để phác họa những khổ cực và cảm giác thuộc về đất nước này”, trích đoạn bức thư. Hàng trăm tác giả đã quyên góp chữ ký của họ, trong đó có Nana Kwame Adjei-Brenyah, Angie Cruz và Fatimah Asghar.
Tác giả Javier Zamora đã vận động cuộc đấu tranh này bằng một bài luận trên tờ The Los Angeles Times vào tháng 7 năm ngoái. Quyển hồi ký Solito của anh, được đón nhận và đánh giá rất nồng nhiệt, không được đề cử Pulitzer vì tiêu chí quốc tịch.
Trong một buổi phỏng vấn, Javier hy vọng quyết định này sẽ mở rộng dòng văn học Mỹ kinh điển để bao gồm các tác phẩm của người nhập cư. “Điều này nói với họ rằng ‘câu chuyện của bạn có ý nghĩa - câu chuyện của bạn cũng có thể trở thành kinh điển”, anh nói.
Giải Pulitzer là giải thưởng văn học mới nhất thay đổi yêu cầu về quốc tịch. The Academy of American Poets (Viện Hàn lâm của Nhà thơ Mỹ) và Hội Poetry Foundation (Hội Thơ học) đã mở cửa cho người nhập cư tạm thời. The National Book Award (Giải Sách Quốc gia) và Giải PEN/Faulkner cũng công nhận người không có quốc tịch Mỹ.
Những năm 40, khi những giải Pulitzer âm nhạc đầu tiên được trao, Mỹ đang là "thiên đường" cho các nghệ sĩ châu Âu. Họ nhập cư để thoát khỏi bóng tối của phát xít và Thế chiến 2. Mặc dù đạt được thành công lớn ở xứ người, các giải Pulitzer đa phần được trao cho nghệ sĩ trong giới hàn lâm Mỹ.
Thay đổi về yêu cầu quốc tịch mở rộng giải cho các nghệ sĩ sinh ra ở nước ngoài và định cư tại Mỹ như Thomas Adès, một trong số những tác giả giỏi nhất thế hệ. Anh sinh ở London nhưng sống tại Los Angeles. Các chủ nhân của giải thưởng danh tiếng toàn cầu Grawemeyer Award for Music Composition cũng có khả năng tham gia.
Khánh Nguyễn